Khởi nguồn
Thôn Nà Pin tận đỉnh núi, cách trung tâm xã Đà Vị chừng 10 km. Bao đời nay, đời sống người dân vẫn còn gặp vô vàn khó khăn, đất canh tác ít, địa hình chia cắt, muốn khởi nghiệp gì cũng khó, nhiều người đã thử nhưng đều không thành công. Đó cũng là lý do lâu nay Nà Pin luôn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 60%.
Tháng 3 - 2024, mô hình chăn nuôi gà đen H’Mông thương phẩm thả vườn theo hướng an toàn sinh học được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ủy ban nhân dân xã Đà Vị triển khai thực hiện tại thôn Nà Pin. Tham gia thực hiện mô hình có 7 hộ gia đình, mỗi hộ được nhận nuôi 100 con gà con giống gà đen H’Mông và 18 bao cám để chăn nuôi.
Đàn gà của gia đình anh Giàng A Tọa (B), thôn Nà Pin, xã Đà Vị (Na Hang).
Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin, thuốc khử trùng, men vi sinh. Hộ gia đình đối ứng tham gia mô hình một phần chi phí thức ăn, gia cố hoặc xây dựng mới chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và phải đảm bảo có nguồn nước sạch. Các hộ dân cũng được tập huấn kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật chăm sóc gà, bổ sung dinh dưỡng thức ăn trong từng giai đoạn nuôi, cách phòng, chữa các bệnh cho gà…
Chàng trai 9x, Giàng A Tọa B (phân biệt cùng một người trùng tên trong thôn) là người trẻ nhưng cũng là người sở hữu đàn gà được coi là đẹp nhất, nặng nhất trong số 7 hộ thực hiện mô hình. Anh Tọa chia sẻ, đợt đầu được trưởng thôn Lành tín nhiệm chọn thực hiện mô hình, anh vui lắm, anh hăm hở san gạt diện tích gần 300 m2 đất sau nhà, mua lưới về quây để nuôi gà được đảm bảo. Do giống gà mới, kinh nghiệm nuôi chưa có nên anh cũng không dám “ẩu”, sẵn với nghề mộc trong tay, anh tự tay lên rừng chặt cây về xẻ làm sàn cho gà đứng. Bởi theo kinh nghiệm của lớp người già, gà H’mông muốn không bị bệnh phải cho ngủ chỗ cao, tránh tiếp xúc với đất để không bị lạnh chân, sẽ tránh được các bệnh hô hấp, gà con thức ăn cũng phải sạch để không mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Chắc do được chủ yêu quý, nên gà của Tọa hiền lắm, chỉ cần nhìn thấy chủ là chúng sà vào như những đứa trẻ. Lựa một con đẹp nhất, Tọa vuốt ve chú gà trống mào thâm như cục tiết, tuy chỉ gắn bó gần 7 tháng nhưng cảm nhận ban đầu là nuôi gà rất dễ. Sau khi chăn hết thức ăn được cấp, anh chuyển dần cho ăn cám ngô, rau chuối và các nguồn thức ăn tự nhiên, gà ăn rất khỏe và lớn cũng nhanh. Đến nay gà trống đạt trọng lượng khoảng 2,8 kg và 1,5 kg với gà mái. Cách đây chừng nửa tháng, anh Tọa cũng bán thử vài đôi gà cho một số hộ dân mua nhân giống hoặc làm thực phẩm với giá bán 150.000 đ/kg, ai cũng tấm tắc khen.
Anh Giàng A Tọa (B).
Nhân rộng mô hình
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đà Vị Vy Thị Thùy thở phào, mô hình nuôi gà đen được triển khai tại thôn Nà Pin đến nay thực sự đã thành công. Bao sự mơ hồ, khó khăn ngày đầu đã tan biến, thay vào đó là sự phấn khởi của Nhân dân. Con gà đen H’Mông có sức khỏe vượt trội, trọng lượng khá, mẫu mã đẹp hơn gà bản địa rất nhiều. Chị Thùy nhấn mạnh, 7 hộ nuôi đến nay chỉ có 1 hộ là kém may mắn do đúng đợt dịch nên hao hụt đàn mất gần 80 con. Còn lại đều đang phát triển tốt.
Chọn nuôi gà theo hình thức thả đồi, chị Lý Thị Duyên hồ hởi chia sẻ với phóng viên về quy trình nuôi độc đáo của mình. Chị kể, sau khi được cấp gà giống, chị quan sát tỷ mỷ từng con, gà nào yếu chị sẽ nhốt riêng chăm sóc đến khi khỏe mạnh mới tiến hành ghép đàn. Trong quá trình nuôi, chị còn cẩn thận bổ sung thêm khoáng, đặc biệt là cách huấn luyện gà ăn đúng giờ sáng và chiều, cách làm này tránh hao hụt đàn, đặc biệt là giúp gà luôn có đủ thức ăn cần thiết trong ngày.
Đàn gà của gia đình chị Lý Thị Duyên, thôn Nà Pin, xã Đà Vị (Na Hang).
Chị Duyên cho biết thêm, chị mới bàn với chồng đầu tư mua máy ấp trứng vào cuối năm nay để nhân giống gà quý. Trưởng thôn Lành thuyết minh phụ họa, vợ chồng chị Duyên là đầu mối thu mua lá tre trong xã để xuất khẩu sang Đài Loan và cũng là hộ dân làm kinh tế có hiệu quả nhất trong thôn.
Kém may mắn nhất trong số 7 hộ nuôi gà của chương trình, thanh niên Giàng A Và khuôn mặt hơi thoáng buồn khi được hỏi về hiệu quả nuôi gà đen H’mông. Tuy nhiên Và vẫn hứng khởi quả quyết, anh vẫn kiên trì chăm sóc 20 con gà giống còn sót lại. Và cười, chắc ông trời thử thách lòng kiên nhẫn của mình nên lần đầu không cho thành công. Vì vậy để bắt đầu lại, năm nay anh kiên quyết chăm sóc cẩn thận đàn gà quý và giữ lại toàn bộ để nhân giống và thực hiện nuôi quy mô lớn vào năm 2025. Anh bảo, anh đang làm thủ tục để vay vốn Ngân hàng mục đích để làm chuồng trại và thực hiện bằng được giấc mơ.
Theo các nghiên cứu khoa học, gà đen H’mông có chất lượng thịt thơm ngon, ngọt và ít mỡ dưới da, do đen toàn tính nên gà có giá trị dược liệu dùng để bồi bổ cơ thể, chữa một số bệnh về tim mạch và còn có thể nấu cao chữa bệnh run tay, chân. Thực tế, khi nuôi ở Nà Pin, gà cũng có khả năng tự kiếm ăn tốt, dễ thích nghi với hình thức nuôi chăn thả của đồng bào nơi đây.
Tâm huyết nhiều với giống gà quý, Trưởng thôn Hầu A Lành kể, hiện có nhiều đơn vị dưới thành phố Tuyên Quang và Hà Nội đã lên đặt mối bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên, mọi người đang thống nhất giữ lại tăng đàn để mở rộng quy mô nuôi và nhân rộng ra nhiều hộ dân trong xã, có như vậy mới thành sản phẩm mang thương hiệu của Nà Pin. “Khi phát triển trên quy mô lớn, lúc bán mới “ra tấm, ra món”, có lẽ con gà đen sẽ là cần câu để người Mông Nà Pin thoát nghèo” - Hầu A Lành quả quyết.
Gửi phản hồi
In bài viết