Người lao động chỉ thực sự yên tâm làm việc, tận tâm cống hiến hết mình cho công việc khi tiền lương của họ bảo đảm cuộc sống. Trong thực tế đã xảy ra tình trạng cán bộ y tế, giáo viên nghỉ việc, chuyển ngành, rời khu vực công chuyển sang khu vực tư... Nguyên nhân chính là do lương không đủ sống. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng là cải cách chế độ tiền lương để giữ được chân cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công.
Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở đã được tăng thành 1,8 triệu đồng, góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cải thiện phần nào thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hội nghị Trung ương 8 vừa qua cũng đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2024.
Tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5 - 7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.
Phấn khởi trước chủ trương cải cách tiền lương sẽ được Quốc hội bàn và quyết định trong kỳ họp thứ 6 lần này, mỗi cán bộ, công chức cần hiểu rõ cải cách tiền lương phải gắn với nâng cao chất lượng công tác; vị trí việc làm, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương.
Người làm việc nửa vời, cầm chừng, đùn đẩy né tránh cần phải có biện pháp xử lý. Người trình độ, năng lực yếu kém cần ra khỏi bộ máy. Có như vậy, việc cải cách tiền lương mới khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và góp phần giữ chân được người tài trong hệ thống; đồng thời giúp tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thực chất; tạo thêm nguồn để tăng lương.
Gửi phản hồi
In bài viết