Nhớ ngày Đại tướng ở Tuyên Quang

- Là người con Quảng Bình, xuất thân từ giáo viên dạy môn Lịch sử nhưng cơ duyên cách mạng đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) đến mảnh đất Tuyên Quang bạt ngàn rừng núi. Trên mảnh đất Tuyên Quang còn nhiều tên đất, tên người mà Đại tướng từng gắn bó trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược hào hùng của dân tộc.

Năm 1941 Bác Hồ về Pác Bó (Cao Bằng) lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp “muốn phát triển cách mạng phải mở một con đường Nam tiến”. Con đường Nam tiến sau này được hình thành nối liền các tỉnh từ Pác Bó (Cao Bằng) tới Chợ Chu (Thái Nguyên). Chính con đường Nam tiến này đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp “bắt mạch” được phong trào cách mạng ở Tuyên Quang mà tiêu biểu là huyện Sơn Dương, bởi Sơn Dương giáp với Chợ Chu (Thái Nguyên).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Tân Trào năm 1990. Ảnh: Tư liệu.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Thanh La, xã Minh Thanh (Sơn Dương) ngày 10/3/1945 thành công, chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cả nước được thành lập, nhận thấy đây chính là “Thủ đô Khu Giải phóng”, tháng 5/1945 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đón Bác Hồ từ Pác Bó về Tân Trào để lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Có thể nói việc quyết định chọn Tân Trào là Thủ đô Khu Giải phóng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp có vai trò lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Trước năm 1945, xã Tân Trào gồm 2 xã Hồng Thái và Tân Lập gộp với xã Thanh La, gọi chung là tổng Thanh La. Sau khi Bác Hồ về đây hai xã Hồng Thái và Tân Lập sáp nhập thành xã Tân Trào - có ý nghĩa phong trào mới bắt đầu từ đây. Người dân địa phương đọc chệch là “Tân Triều”, tức là một triều đại mới bắt đầu từ đây. Giờ đây, địa danh Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Khu di tích Quốc gia đặc biệt, cùng hàng trăm di tích lịch sử cách mạng khác là địa chỉ cho du khách thập phương về nguồn, tìm hiểu thêm về truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.

Trên mảnh đất Tuyên Quang lịch sử này, cuối tháng 5/1945, để chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa, Trung ương Đảng đã cho chuẩn bị thành lập Trường Quân chính kháng Nhật (tiền thân của Trường Đại học Trần Quốc Tuấn ngày nay) ở Khuổi Kịch, thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Bác Hồ rất quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, Bác đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách. Đồng chí Hoàng Văn Thái được Bác cử làm Giám đốc, đồng chí Thanh Phong làm Phó Giám đốc. Ngày 25/6/1945, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, trường làm lễ khai giảng khóa I. Buổi lễ được tổ chức đơn giản nhưng rất trang nghiêm. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban lâm thời Khu giải phóng nói chuyện với học viên. Chiều hôm đó, toàn trường ăn một bữa cơm không muối để cùng nhau giữ một kỷ niệm sâu sắc, mở đầu cho truyền thống chịu đựng gian khổ của nhà trường quân sự cách mạng. 

Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, tháng 8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Ngày 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy các đơn vị Quân giải phóng Nam tiến cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. 

Năm 1946, thực dân Pháp bội ước đánh chiếm nước ta trở lại, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải chuyển lên Tuyên Quang để trường kỳ kháng chiến. Tân Trào lúc này một lần nữa lại trở thành “Thủ đô Kháng chiến” của cách mạng Việt Nam. Năm 1947 thực dân Pháp cho quân tấn công lên chiến khu Việt Bắc nhằm  tiêu diệt “Thủ đô Kháng chiến” của ta. Trước tình thế này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền đi một mệnh lệnh nổi tiếng cho Tiểu đoàn 42: “Hãy sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Chính nhờ mệnh lệnh đanh thép này mà An toàn khu Tân Trào được giữ vững và nối liền được với phong trào cách mạng của các tỉnh. 

Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, một vinh dự lớn đến với Tiểu đoàn 42 là  được Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi thư khen: “Trận Bình Ca, Tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”. Lời khen này đã được thêu trên lá cờ chiến thắng của Tiểu đoàn và được khắc trên bệ đá của bức tượng đài chiến thắng tại bến Bình Ca, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương). Từ đó, Tiểu đoàn 42 được mang danh hiệu Tiểu đoàn Bình Ca (nay là Tiểu đoàn 7-Trung đoàn Thủ Đô) mãi mãi là niềm tự hào, truyền thống vẻ vang, tình cảm sâu nặng gắn bó các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn trong mọi nhiệm vụ suốt chặng đường trường chinh đánh Pháp, đánh Mỹ cho đến tận ngày nay. Năm 1948, khi mới 37 tuổi, ông được phong hàm Đại tướng, chỉ huy chính trong các chiến dịch quan trọng, có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc.

Tháng 2/1951 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Được Chủ tịch  Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Tổng Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường, Bác Hồ hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”, Đại tướng trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch  Hồ Chí Minh nói: “Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác Hồ chỉ thị: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được điều Bác Hồ căn dặn, Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu... 

Trên mảnh đất Tuyên Quang còn nhiều tên đất, tên người mà Đại tướng đã từng gắn bó trong những năm tháng chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Cố cán bộ lão thành cách mạng Hà Hưng Long, ở xã An Tường, thành phố Tuyên Quang là một trong 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập năm 1944 tại Cao Bằng. Năm 2004, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gặp ông Hà Hưng Long khi về dự lễ kỷ niệm.

Ngày nay người dân Tuyên Quang luôn nhớ vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại của dân tộc. Tại ngôi nhà sàn của gia đình ông Hoàng Trung Dân bên cây đa Tân Trào, ban thờ Đại tướng được đặt ở nơi xưa Đại tướng nghỉ và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945. Bởi bao năm tháng Đại tướng sống, công tác “chia ngọt, sẻ bùi” trên mảnh đất chiến khu xưa. Nhớ Cách mạng mùa thu Tháng Tám năm ấy, những kỷ niệm xưa lại ùa về…

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục