Sự thay đổi về tư duy dạy và học

- Ngày mai, thầy và trò các trường học trong tỉnh sẽ bước vào năm học mới. Đây là năm học thứ hai các trường học trong tỉnh khai giảng trong hoàn cảnh dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp. Tỉnh ta may mắn đang nằm trong “vùng xanh”, không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, điều này có nghĩa là thầy và trò trong tỉnh vẫn được tổ chức Lễ khai giảng năm học mới tại trường trong điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Trường THPT Na Hang chuẩn bị vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trong năm học mới.

Năm học 2021 - 2022 là năm học toàn ngành Giáo dục có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học. Một trong những đổi mới đó là việc triển khai áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với những người quan tâm đến giáo dục, Thông tư 22 không đơn thuần chỉ là có nhiều điểm mới như bỏ điểm tổng kết trung bình chung của các môn, bỏ đánh giá bằng điểm với một số môn mà quy định này sẽ tạo ra động lực học tập, giúp học sinh phát huy thế được thế mạnh của bản thân.

Việc áp dụng Thông tư được triển khai trong năm học này đối với lớp 6. Từ năm học 2022 - 2023 sẽ theo lộ trình áp dụng cho lớp 7 và lớp 10, sau đó năm học 2023 - 2024 sẽ áp dụng cho lớp 8 và lớp 11; đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng với các lớp 9 và 12. Có thể thấy rằng, Thông tư 22 là sự thay đổi rõ rệt về tư duy dạy và học. Từ nay, học sinh được phát huy năng lực, sở trường của mình thay vì phải học giỏi những môn chính mà nhà trường ấn định.

Lâu nay để đạt học sinh giỏi, học sinh phải đạt trung bình các môn trên 8, trong đó một trong các môn bắt buộc như Toán, Văn phải đạt từ 8 trở lên, không có môn nào điểm dưới 6,5. Từ nay, theo Thông tư 22 học sinh cần có 6 môn đạt 8,0 trở lên, không môn nào dưới 6,5. Như vậy, sẽ không còn phân biệt môn chính, môn phụ, học sinh không nhất thiết phải đạt điểm tốt môn Toán hay Ngữ văn mới được đánh giá là giỏi. Quy định này không đề cập đến yêu cầu riêng cho các môn Toán, Văn, do vậy giờ đây, vai trò của các môn học là bình đẳng như nhau, nhìn học lực của các em sẽ giúp các gia đình dễ hướng nghiệp cho các em.

Ngoài ra việc đánh giá kết quả rèn luyện lẫn học lực của học sinh, từ 5 bậc: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém chuyển sang 4 bậc : Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt; có thêm mức khen thưởng cho danh hiệu “Học sinh xuất sắc” đối với những em có kết quả rèn luyện tốt, kết quả học tập tốt và có ít nhất 6 môn trung bình trên 9 được cho là tránh “cả làng đều giỏi” như hiện nay.

Việc đánh giá “Chưa đạt” được coi là nhẹ nhàng hơn “Yếu, Kém” trước đây, không để lại tâm lý nặng nề cho học sinh.

Sự thay đổi trong đánh giá năng lực học sinh theo Thông tư 22 là hết sức cần thiết nhất là trong giai đoạn hiện nay. Hy vọng sự đổi mới này sẽ tiếp thêm động lực cho học sinh để từ đó cũng giúp cho các nhà trường phấn đấu “học thật, thi thật” để có học sinh giỏi thật.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục