Đi thuyền trên sông Đáy

- Bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm 1949 trong một lần Bác từ Khấu Lấu (thuộc xã Tân Trào) xuôi thuyền về huyện lỵ Sơn Dương thăm một lớp học của cán bộ kháng chiến. 

Dòng sông lặng ngắt như tờ
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo
Bốn bề phong cảnh vắng teo
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan
Lòng riêng, riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng
Thuyền về, trời đã rạng đông
Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.

Bài thơ với 8 câu lục bát nhẹ nhàng, bình dị. Vẻ đẹp hữu tình, thơ mộng của dòng sông Phó Đáy hiện lên trong đêm trăng thu vừa thực, lại vừa thơ mộng “Dòng sông lặng ngắt như tờ/Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo”. Hình ảnh con thuyền, vầng trăng và những vì sao lấp lánh hiện lên thật thư nhàn, trang nhã. Sông hiền hòa, sao tỏ và trăng sáng đến lạ lùng… Sự sáng trong của sông nước, cảnh vật như phản chiếu sự sáng trong của chính tâm hồn và cảm xúc của thi nhân vậy. Cảnh sắc, tâm tư và không gian xung quanh chan hòa, quấn quện. Bác đã lặng lẽ thả hồn mình trôi trên dòng sông trăng đẹp đẽ trong một đêm trăng ở chiến khu như thế…

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, vầng trăng - nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của thơ, ca, nhạc, họa… đã nhiều lần xuất hiện trong thơ Bác như một người bạn đường tâm giao, tri kỷ “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền" (Rằm tháng Giêng). Hình ảnh “lồng lộng trăng soi”, vừa cao vời, vừa lộng lẫy. Rằm tháng Giêng là lúc trăng đang ở vào độ tròn đầy, viên mãn nhất. Một không gian bát ngát được mở ra đến vô tận, vô cùng. Khung cảnh sông nước, mây trời được bao phủ một sắc xuân ngập tràn. Giữa khung cảnh nên thơ, lãng mạn ấy, trên dòng sông xuân ấy, lại là nơi “bàn bạc việc quân”. Những đêm trăng đẹp say lòng người giữa cảnh rừng Việt Bắc tiếp tục hiện hữu trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh như minh chứng sinh động cho tình yêu, sự gắn bó máu thịt, ân tình của Người với thiên nhiên, con người, vạn vật nơi đây “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/Việc quân đang bận xin chờ hôm sau/Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu/Ấy tin thắng trận liên khu báo về” (Tin thắng trận - 1948).

Ánh trăng không chỉ làm dịu đi những căng thẳng, mệt mỏi trong suy tư, trong việc quân, trong họp bàn quân sự, nó còn giúp tâm hồn mỗi người như tươi trong trở lại… Có thể thấy, mỗi vẻ đẹp dù nhỏ nhất trong cuộc sống, qua góc nhìn lạc quan, yêu đời, chan hòa với thiên nhiên của Bác, đều trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hồn thơ dung dị, chân thành của Người. Phải có tình yêu thiên nhiên, phải có tâm hồn nhiều rung cảm lắm mới viết nên được những vần thơ đẹp đẽ đến vậy.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng có những nhận định sắc nét về hồn thơ và cốt cách của Bác “Vần thơ của Bác vần thơ thép. Mà vẫn mênh mông, bát ngát tình”… Vâng, trăng đấy, thơ đấy, nhưng tâm tưởng của Người không thanh nhàn được như vậy, luôn còn đó bộn bề những nỗi lo toan khi nghĩ về đất nước. Hai câu kết mang hình tượng đẹp, thể hiện tinh thần lạc quan của Bác về một ngày mai tươi sáng “Thuyền về, trời đã rạng đông/Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”. Con thuyền và rạng đông ở đây mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Con thuyền cách mạng đã cập bến trong rạng đông tráng lệ. Một ngày mới với bao dự cảm tốt đẹp đang chờ. Con thuyền đã từ bóng tối ra ánh sáng, vượt qua đêm để đến ngày, một ngày rực rỡ ánh bình minh, rạng ngời tin yêu, hy vọng, cũng như người cầm lái con thuyền cách mạng của dân tộc, dẫu còn đó bao gian nan phía trước đang chờ, nhưng sẽ cập bờ thắng lợi. Cảnh màu hồng đẹp tươi bao la tỏa rạng khắp đất trời hứa hẹn một thời kỳ mới với nhiều thời cơ và vận hội mới tốt đẹp phía trước...

Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, thể hiện sâu sắc tư tưởng, tình cảm và tâm hồn cao cả của Người. Tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy những bài học vô cùng cao quý.                          

Tin cùng chuyên mục