Đọc “Dòng Lô êm trôi” của Phù Ninh

- Là hậu thế, được nhiều lần đọc tác phẩm và tiếp xúc với nhà văn Phù Ninh, lúc nào tôi cũng giữ một sự ngưỡng mộ, cảm phục đối với ông. Ở ngoài đời lẫn trong trang viết, phong thái của ông luôn nhẹ nhàng, đôn hậu.

Vậy mà, khi xuất hiện tại các diễn đàn, cuộc họp bàn về văn chương, ông nói say sưa, nhiệt huyết. Bởi chưa bao giờ ông thôi trăn trở với từng con chữ, những nhân vật, cốt truyện của mình và của người. Với ông, nhà văn không có tuổi hưu thế nên bao năm nay mạch sáng tác vẫn tuôn chảy. Sau nhiều năm ấp ủ, tiểu thuyết “Dòng lô êm trôi” ra đời với cách tiếp cận sự kiện, nhân vật lịch sử một cách khác biệt, mới mẻ.

Nhà văn Phù Ninh tên thật là Nguyễn Văn Mạch. Ông sinh năm 1942, quê ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Gia đình chuyển đến sinh sống tại thôn Phú Thịnh, xã Lâm Xuyên, huyện Sơn Dương. Lúc ấy ông mới ba, bốn tuổi. Quãng thời gian tuổi thơ và cuộc đời ông gắn bó với đất Tuyên.

Ông đến với nghiệp viết lách và sống với đam mê ấy một cách thực thụ. Rời quân ngũ về công tác tại Ty Văn hóa đến lúc kinh qua các chức vụ Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà Báo tỉnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy... Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và song hành nghiệp sáng tác. Tác phẩm được đăng trên báo văn nghệ địa phương, Trung ương, in thành sách. Dẫu có những quãng thời gian bận rộn với nghiệp chính trị nhưng ông vẫn luôn “thăng hoa” trên từng trang viết.

Nhà văn Phù Ninh viết nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ, sưu tầm văn học dân gian, làm câu đối rồi viết sử địa phương... Thể loại nào cũng để lại dấu ấn. Ông khá thành công với thể loại tiểu thuyết đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử. Ông đã xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử đặc sắc như: “Tân Trào rạng ngày độc lập”, “Trần Nhật Duật”, “Người con gái Thăng Long”, “Về Tân Trào”... Cuối năm 2020, Phù Ninh cho ra đời cuốn tiểu thuyết lịch sử “Dòng Lô êm trôi”. Tác phẩm được Hội Văn học - Nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam tặng thưởng. Tiểu thuyết kể về hành trình vượt khỏi nhà ngục của các chiến sỹ cách mạng. Trong cơn sinh tử họ được đồng bào miền núi cưu mang, chăm sóc. Được sống và gần gũi với người dân nơi đây, họ tuyên truyền giác ngộ về lý tưởng cách mạng cho bà con. Và từng bước xây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn Tuyên Quang.

Những người cán bộ Việt Minh dũng cảm, kiên cường, mưu trí trở thành điểm tựa cho những người “cu ly” tại đồn điền, người nông dân, tầng lớp trí thức... Tất cả cùng một lòng một dạ theo cách mạng, đồng tâm chuẩn bị lực lượng, vũ khí, lương thực... để chiến đấu. Những con người tại Đồn Điền như Huyền Quỷnh, Hiệu phó Châu lần đầu tiên được cán bộ Việt Minh là Quốc Tiếu giác ngộ. Đối với họ, buổi sáng gặp gỡ đó tựa như bắt gặp chân lý cuộc đời. Huyền Quỷnh mong mỏi và hỏi luôn: “Chúng tôi góp sức bằng cách nào?”. Và họ được nhận nhiệm vụ là: “Trước hết cần tuyên truyền giác ngộ giáo viên, nhân viên nhà trường, cu ly đồn điền ra nhập đoàn thể cứu quốc của Việt Minh. Từ lực lượng hạt nhân này sẽ lan tỏa xung quanh”. Và từ đó lực lượng cách mạng Việt Minh ngày càng lớn mạnh. Nhiều người ngỡ ngàng: “Việt Minh! Ôi! Lâu nay tôi cứ tưởng Việt Minh người nằm mãi đâu xa hóa ra toàn người quen. Hôm nay mới biết Việt Minh bên nách mình... Hèn gì bọn Nhật cứ cuống cuồng đề phòng”.

Tác phẩm mang đến cho độc giả nhiều diễn biến kịch tính. Trong đó phân đoạn cô nữ sinh Hoàng Yến tình nguyện vận chuyển thuốc men, bông băng trên chiếc xe hạng sang của mình cho cán bộ Việt Minh. Qua bao trạm kiểm soát Hoàng Yến những tên lính Nhật ngó nghiêng, lăm le kiểm soát từng chiếc xe. Ban đầu, Hoàng Yến bối rối, cố giấu đi tâm trạng căng thẳng và dần làm chủ được cảm xúc. Yến với dáng vẻ một tiểu thư lơ đãng, điệu đàng, từng chút như thôi miên được những tên lính Nhật. Yến khéo léo, duyên dáng biếu cho chúng bao thuốc lá và nhận được cái nhìn thiện cảm của lính Nhật. Vậy là phút chốc Yến và lái xe đã qua được cửa ải sinh tử một cách khôn khéo.

Tác phẩm được thể hiện mạch lạc qua 8 chương sách với 263 trang. Những sự kiện lịch sử được nhà văn Phù Ninh “mềm hóa” bằng giọng điệu lúc nhẹ nhàng, thủ thỉ, lúc rắn rỏi, cương nghị. Bên dòng Lô êm trôi, nhẹ nhàng ấy là chí khí cách mạng sục sôi của quân và dân ta lớn mạnh từng ngày. Các chiến sỹ như Song Hào, Quốc Tiếu, Huyền Quỷnh, Trần Tùng... được tác giả khắc họa chân dung một cách chân thực, rõ nét. Đó là những con người gan dạ, kiên cường, mưu trí, chân thành... Họ trở thành điểm tựa cho đồng bào, nhân dân Tuyên Quang.

Ngày 17-8-1945 dân Tuyên Quang khởi nghĩa, đánh đuổi phát xít Nhật, giành chính quyền. Trước sự tiến công mãnh liệt của quân và dân ta, đến sáng ngày 21-8, thị xã Tuyên Quang được giải phóng, đánh dấu mốc thắng lợi hoàn toàn cuộc đấu tranh 

giành độc lập, tự do của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Mốc son chói lọi đó mãi là niềm tự hào trong lòng mỗi người con của mảnh đất Tuyên Quang anh hùng. Giọng văn của Phù Ninh đầy hào sảng như lời ca hân hoan: “Hai mươi hai tháng tám. Tám giờ. Sân vận động rợp cờ biểu ngữ. Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang tuyên bố được thành lập trước hàng vạn đồng bào... Tạ Quốc Tiếu tức Tạ Xuân Thu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời...”.

Viết về lịch sử, tác phẩm của Phù Ninh có thời gian, bối cảnh, sự kiện và có mối liên hệ với từng nhân vật trong lịch sử chứ không tô vẽ, hư cấu. Ông thiên về khuynh hướng ngợi ca, hướng đến cái cao cả với lối viết gây ấn tượng mạnh cho người đọc. “Dòng Lô êm trôi” là cuốn tiểu thuyết ấn tượng với lối viết nhẹ nhàng, cuốn hút, giúp độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng giá trị lịch sử mà cha ông để lại.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục