Hải Hà và những khoảnh khắc để đời

- Trong căn nhà nhỏ trên đường 17-8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), bà Phan Thị Liên kể về người chồng với chan chứa yêu thương, tự hào. Chồng bà là nghệ sỹ nhiếp ảnh Hải Hà - người yêu thương vợ con hết lòng và cũng là người say mê nghệ thuật đến tận cùng. Đã hơn 1 thập kỷ ông đi xa nhưng những tác phẩm để lại vẫn còn mãi giá trị lớn lao.

Tình yêu của người nghệ sỹ

Chân dung Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hải Hà.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hải Hà tên thật là Nguyễn Quang Hà. Khi nhắc đến ông, nhiều người vẫn nhớ mãi chuyện tình đẹp của ông với người vợ kém 14 tuổi. Hải Hà vốn là người Hưng Yên, lớn lên ông tham gia lực lượng công an và sau đó về Tuyên Quang rẽ ngang làm cán bộ ngành văn hóa thông tin của tỉnh.

37 tuổi chàng trai ấy chưa vợ và bị hút hồn bởi sự dịu dàng, nết na, xinh đẹp của cô gái tên là Liên. Đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc, bà Liên mỉm cười và kể lại rằng, ngày đấy bà làm việc tại Công ty Cung ứng vật liệu xây dựng Tuyên Quang, mới ngoài 20 và có nhiều chàng trai trẻ theo đuổi. Thế nhưng chính sự chân thành, thật thà và sự kiên trì của ông đã làm bà rung động và thời gian sau hai người nên duyên vợ chồng.

Cuộc sống ngày đó còn nhiều khó khăn thế nhưng điều mà bà luôn trân trọng ở ông đó là sự khéo léo tinh tế trong cách ứng xử, chân thành yêu thương vợ con hết mực. Ông luôn dành cho vợ vị trí ưu tiên, tôn trọng mọi ý kiến. Bà còn nhớ là trước khi lựa chọn một tác phẩm dự thi ông đều luôn tham khảo vợ và khi có được phần thưởng ông đều mang về tặng vợ con với tất thảy sự nâng niu, yêu quý. Gia đình luôn là nguồn động lực để Hải Hà phấn đấu trên con đường nghệ thuật.

Công chúng đánh giá rằng ảnh của ông không cầu kỳ xa lạ mà nó đậm đà hình bóng phong cảnh, quê hương, con người Tuyên Quang. Trước những tác phẩm sinh động, chân thực đó, người xem như được chứng kiến tận mắt những diễn biến sự kiện diễn ra trên quê nhà qua từng chặng đường phát triển.

Nhờ tài năng và nỗ lực trong quá trình sáng tạo cùng hậu phương vững chắc, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hải Hà đã đạt được những giải thưởng danh giá trong nước và Quốc tế như: Tác phẩm “Lão dân quân”, Huy chương đồng Liên Xô; Tác phẩm “Phiên chợ vùng cao” đoạt Giải 5 pentacom ORWO; Tác phẩm “Thiếu nữ Tày” Giải Khuyến khích thi ảnh toàn quốc năm 1985; Giải nhất cuộc thi ảnh báo chí về đề tài người cao tuổi năm 1993;  Tác phẩm “Vô tư” Giải A Cuộc thi ảnh Trẻ em Việt Nam năm 1993… Đặc biệt, ông còn được nhận Bằng khen triển lãm ảnh thiếu nhi ở Irắc; Bằng khen Báo Pravda Liên Xô năm1975...

Những tác phẩm giá trị lịch sử

Khi nói về Hải Hà, đồng nghiệp vẫn đùa vui rằng, có lẽ trong giới nhiếp ảnh Tuyên Quang ông là người có “số đỏ”. Bởi ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp ông lại may mắn được chứng kiến sự kiện Bác Hồ trở lại thăm nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3-1961. Từ xúc cảm trái tim và tấm lòng yêu kính Bác, ông đã chụp lại khoảnh khắc lịch sử. Bức ảnh có chú thích là “Hồ Chủ Tịch trên lễ đài cuộc mít tinh của hơn một vạn người tại sân vận động thị xã”.

Tác phẩm tái hiện hình ảnh Bác trên lễ đài quảng trường lồng lộng, tay Bác giơ cao vẫy chào đồng bào. Gương mặt Bác tươi vui, ánh mắt rực sáng, đầy thần thái, tỏa sáng khí chất của một vị lãnh tụ vĩ đại. Bác vừa uy nghiêm và cũng thật giản dị, ấm áp, hòa đồng. Tính đến thời điểm này, trong giới nghệ thuật nhiếp ảnh Tuyên Quang, Hải Hà vẫn luôn được tôn vinh là một nghệ sĩ tài năng, biết chớp được những khoảnh khắc thần kỳ của nhân vật và sự kiện.

Bức ảnh Nữ tự vệ Thành Tuyên của Hải Hà.

Ông còn có nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử về đề tài chiến tranh. Đó là “Nữ tự vệ thành Tuyên”, “Nữ dân quân thành Tuyên”, “Hành quân”… tái hiện không khí toàn dân và quân ta chung sức đồng lòng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược trong những giai đoạn chống giặc Mỹ. Ảnh được chụp từ những năm 1967 đến 1968.

Tác phẩm “Nữ dân quân thành Tuyên” khắc họa sinh động chân dung cô gái dân quân tự vệ bên khẩu súng dài, ánh mắt đăm đăm hướng theo nòng súng. Gương mặt xinh xắn nhưng rắn rỏi cương nghị, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh chống kẻ thù xâm lược. Điều đặc biệt là hình nền phía sau bức chân dung là mảng sáng của chân trời yên tĩnh, xa mờ những đồi núi ẩn hiện. Thông điệp bức ảnh muốn gửi gắm về trạng thái cuộc sống trong giai đoạn này, người dân vững vàng yên tâm sản xuất và kiên cường, anh dũng bảo vệ quê nhà.

Bên cạnh những tác phẩm có tính lịch sử sự kiện, Hải Hà thành công với ảnh chân dung, khắc họa vẻ đẹp của những con người thành Tuyên trong đời sống hàng ngày. Điển hình như “Thiếu nữ Tày”, “Cụ già ở bản”, “Thiếu nữ Lô Lô”, “Dẻo dai”... Những bức ảnh này ông thường đứng ở góc nhìn trực diện tạo nên tác phẩm chân thực, tươi sáng, sống động.

Trong số ảnh ở mô típ này, “Dẻo dai” là một bức ảnh điển hình. Trong ảnh là chân dung một ông già ngồi chẻ củi, phía sau một bóng cây cổ thụ trùm mát. Điều đặc biệt là trong ảnh có những khoảng sáng trên trời lọt qua tán cây làm nổi lên đường gân, cơ bắp của ông già bên những mảnh củi đã được bổ tan ra. Ảnh chỉ miêu tả một thực tế công việc đơn thuần cụ thể thường ngày nhưng từ cơ bắp ông già với những mảnh củi vỡ qua ánh sáng, người xem cảm nhận được một sức lực mạnh mẽ, dẻo dai của nhân vật được rèn luyện từ trong lao động. Chỉ vậy thôi, Hải Hà giúp ta thấy được cái lẽ thường tình của người làm nghề nếu biết chắt chiu, biết tìm kiếm thì cái đẹp không phải tìm đâu xa lạ mà nó là cuộc sống ngay ở quanh ta. Tác phẩm từng đoạt giải thưởng của Cuộc thi ảnh Quốc tế giai đoạn năm 1970 - 1975.

Trong căn phòng khách nhỏ xung quanh ngập tràn những bức ảnh của ông và gia đình còn những tác phẩm nghệ thuật được bà Liên - vợ ông gói ghém, lưu giữ cẩn thận như là một báu vật. Có khách, bà thường mở ra cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Bà vui vẻ, hài lòng vì được sống trọn một đời hạnh phúc, bình an cùng ông. Bà bảo: “nhiều người thường nói vui rằng làm vợ nghệ sỹ thì nghèo nhưng với tôi được làm bạn đời của ông là điều may mắn nhất. Một người nghệ sỹ say mê cống hiến hết mình, một người chồng biết nâng niu trân trọng gia đình, nghĩa tình trước sau vẹn tròn”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục