Khoảng trời riêng của Đỗ Anh Mỹ

- Đối với tiền bối văn chương, Đỗ Anh Mỹ luôn thể hiện sự trọng vọng, cầu thị và học hỏi. Còn khi gặp những người trẻ, ông lại luôn dành sự ân cần, quan tâm để mong dẫn lối thêm nhiều người vào con đường viết lách. “Cây đa cõi thế, hương rừng/Nẻo đường ngược ký lên miền Khe Hu”. Ông có cách đặt tên sách quả là ngân nga vần điệu, tôi vừa thoáng nhặt đã ghép thành đôi vần lục bát. Quả thực, văn Đỗ Anh Mỹ không lẫn với ai từ tên sách. Người càng không lẫn với ai từ dáng vẻ bên ngoài tới sự trầm mặc, điềm tĩnh đến đáng kính.

“Văn học là nhân học”

Ông Đỗ Anh Mỹ.

Trong xã hội hiện đại, lối sống nhanh, sống gấp trở nên phổ biến ở giới trẻ. Nhịp sống hối hả không chỉ thể hiện trong cách nghĩ mà ngay trong học tập, công việc, ăn uống, đi lại… Và đôi lúc người trẻ chúng tôi cũng bị cuốn đi với bao bộn bề vậy mà ngay thời điểm ngồi cạnh trò chuyện với ông, tôi nhận thấy mình như đã bỏ lỡ ngàn ngàn cơ hội để cảm nhận muôn điều quanh mình. Với cách nói chuyện từ tốn, chậm rãi và ngẫm nghĩ… ông từng bước dẫn lối người đối diện đi qua những suy tư cuộc sống theo những gì dịu dàng, êm ái nhất.

Đỗ Anh Mỹ từng dí dỏm thừa nhận rằng, ngoài con người ra, còn có hai điều rất khó hiểu và khó hiểu đúng. Đó là tình yêu và văn chương. Văn chương cũng như tình yêu vậy, có rất nhiều màu sắc. Chính vì thế nó không phải là những vật thể bất dịch có thể nắm bắt bằng tay, ngửi bằng mũi hay nhìn bằng mắt được. Người ta nói về văn chương nhiều lắm, đẹp lắm! Còn với ông vẫn thích nhất quan điểm: “Văn học là nhân học” - súc tích như vậy thôi! Chính vì thế tác phẩm của Đỗ Anh Mỹ luôn mang đến những thông điệp thiện lương, cái kết có hậu hay quan trọng hơn cả là bài học, kinh nghiệm vốn sống.

Đỗ Anh Mỹ được biết đến là một người cán bộ công an mẫu mực, đam mê nghề nghiệp. Ông nguyên là Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh. Suốt hơn 30 năm công tác gắn bó với nhiệm vụ thu thập, phân tích, giám định và xác định hoạt động tội phạm của cơ quan công an. Công việc tưởng chừng như khô khan nhưng chính trong môi trường ấy cảm xúc buồn, vui, xót xa… qua những vụ án; đó có thể là sự đau khổ người thân của tội phạm giết người, vụ tai nạn giao thông kinh hoàng của một gia đình, nạn nhân những vụ cướp tấn công… Tất cả đã khiến ông day dứt cầm bút và viết như một thôi thúc, viết với mong muốn rút ra những bài học, sự cảnh tỉnh cho độc giả. Và điều làm người đọc nhẹ lòng trong mỗi tác phẩm của ông, đó là truyện ngắn luôn hướng đến điều thiện lương, gắn với những cái kết tốt đẹp, bình an. Những tập truyện ngắn đầu tay “Cây đa ngoài cõi thế”, “Truyện ở Khe Hu”…  nhận được nhiều hiệu ứng tích cực từ bạn đọc.

Chính sự ảnh hưởng nghề nghiệp cũng như tính cách cẩn trọng, tỉ mỉ, chậm rãi, thận trọng, ông là một cây bút có sự quan sát tỉ mỉ tinh tế. Bên cạnh những tác phẩm viết về những vụ án thì Đỗ Anh Mỹ lại xuất hiện ở nhiều đề tài khác với giọng văn linh hoạt. Lúc thủ thỉ tâm tình lúc hóm hỉnh, dí dỏm tạo được sự đa dạng trong giọng văn. Khi về hưu, ông tích cực viết nhiều truyện ngắn, truyện cực ngắn, bút ký tiểu thuyết. Nhiều bạn văn đánh giá, ông không già đi và dường như càng không viết ít đi. Cứ thế Đỗ Anh Mỹ sống thong dong mà sinh đẻ thì là “vô kế hoạch”. Hiện nay ông đã xuất bản được 12 tập sách, chuẩn bị xuất bản thêm 1 tập tiểu thuyết và 1 tập bút ký.

Giọng văn của trẻ thơ    

Đỗ Anh Mỹ thử sức nhiều đề tài: viết về các vụ án hình sự, chiến tranh, văn hóa phong tục dân tộc thiểu số… Và hiếm ai có thể nghĩ rằng một Đại tá về hưu với hàng chục năm trong nghề lại rẽ sang một mảng đề tài mới mẻ, tươi trẻ, hồn nhiên, đó là viết về thiếu nhi. Nhiều tập truyện in thành sách như “Cô bé cánh cam”, “Phiêu lưu miền ngược ký”... tạo được những “hiệu ứng” đẹp trong lòng độc giả với giọng văn dí dỏm, uyển chuyển, hài hước. Trong đó tập truyện ngắn thiếu nhi “Jerry lên rừng học hái thuốc nam” được nhiều độc giả nhí yêu thích. Tác phẩm từng đạt giải C của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Mượn hình tượng 3 nhân vật hoạt hình gần gũi với các bạn thiếu nhi nhỏ tuổi: Tom, Jerry và bác Đốm, tác giả đã khéo léo dẫn dắt độc giả đến với những cuộc phiêu lưu và khám phá thú vị. Bắt đầu từ những suy nghĩ của Jerry “Chán cái trò đuổi bắt vô bổ này rồi... phải làm một việc gì đó cho có ích!... cu cậu quyết định, lên rừng tìm bác Sơn Dương học hái thuốc nam, về chữa bệnh cho mọi người....”. Vậy là, Jerry tìm cách thoát khỏi căn nhà, thoát khỏi Tôm để đến với những “Cuộc phiêu lưu” và “Những người bạn mới” trên cánh rừng. Những bài thuốc nam chữa: bị bỏng, đau lưng, đau tay, đau ruột thừa, tè dầm, cuốc viêm họng hạt, đinh râu,... đã được tác giả giới thiệu bằng những câu chuyện dí dỏm: “Bà ngỗng đau tay”, “Dê nhí đau lưng”, “Thỏ đau ruột thừa”, “Chuột nhí bị đinh râu”, “Vịt tơ tè dầm”,...  Nhưng bài học đầu tiên mà bác Sơn Dương dạy cho Jerry là: cái tâm của thầy thuốc là phải thiện tâm và thông thái. Tiếp theo là cách băm thuốc nam, cách hái lá thuốc, những bài học và thử thách để rèn luyện tính kiên trì, chịu thương chịu khó và lòng yêu thương người bệnh.

Khi Ỉn con bị bỏng, sân nhà bà Heo không còn chỗ đứng, mỗi người mỗi việc, ai ai cũng lo lắng. “Ỉn con loạng choạng... ngã ngồi vào chảo cám mẹ vừa bắc ra, bỏng từ thắt lưng bỏng xuống; da đã bóc từng mảng, thịt đỏ như son”, bỏng rất nặng. Bác Sơn Dương bảo Jerry chặt cây chuối, giã, vắt vào bát nước rồi rửa lên vết bỏng. Vậy là, bác Sơn Dương rửa đến đâu, da Ỉn hồng lên đến đó. Hôm sau, Jerry đi hái lá cây Sau Sau đen, đem về giã ra, lọc lấy nước, đun sôi, sắc đặc, bắc ra để nguội... lấy nước rửa còn lớp váng thì phủ lên vết bỏng... Lối dẫn chuyện dí dỏm cùng những câu đối thoại hồn nhiên, dễ dàng đi vào lòng các độc giả nhỏ tuổi:

“Ta chào các Chư tôn! Chư lão ta lên thăm các Chư tôn đây!”; “Lâu lắm rồi Chư đệ mới gặp bác. Bác rùa khỏe không?...”; “Hô hô...! Giờ ta mới nghe cái tâm của nhà chuột! - Chích chòe hô hố bịt miệng cười”,... “Đúng là đồ ba hoa chích chòe!”...

Tập truyện bao gồm 30 câu chuyện nhỏ liên quan chặt chẽ với nhau, mỗi câu chuyện là cuộc trải nghiệm giúp các bạn thiếu nhi bổ sung thêm kiến thức xã hội rất thú vị. Không chỉ là những bài thuốc dân gian mà cuốn sách còn chứa đựng những truyền thuyết lịch sử, sự tích dân gian, văn hóa dân tộc thiểu số,... Sự tích hoa Phặc phiềng mọc trên đỉnh núi Cô tiên - Chú Khách, sự tích Hồ Gươm... được tác giả lồng ghép một cách khéo léo, tài tình qua cách đối đáp dí dỏm, vô tư của các con vật. Bức tranh thiên nhiên rừng núi và những sinh hoạt văn hóa được vẽ nên thật sinh động: “Chị Vành khuyên trong bộ áo chàm thắt đáy lưng ong, cổ đeo vòng bạc trông thật duyên dáng, ôm cây đàn tính”, “Mấy chị áo xanh, áo đỏ từng tốp hát Sình ca, hát lượn”, điệu múa khèn chao lượn, rượu men lá thơm lừng, mọi người cầm tay nhau nhảy múa... 

Không chỉ giúp bạn đọc bổ sung thêm những kiến thức xã hội phong phú, sinh động mà tác phẩm còn là những bài học đạo đức giá trị và sâu sắc: thông điệp về tình cảm bạn bè; tình làng nghĩa xóm “tắt lửa tối đèn” có nhau; biết yêu quý và trân trọng thiên nhiên và cuộc sống quanh ta.

Đỗ Anh Mỹ từng tâm sự, “Mong muốn được truyền lại những bài thuốc gia truyền và tình yêu thương con trẻ, đó là 2 điều lớn nhất thôi thúc tôi viết nên tập truyện ngắn này”. Tập truyện “Jerry lên rừng học hái thuốc nam” đã khẳng định đây là một cây bút tài năng trong mảng đề tài viết cho thiếu nhi.

Suốt những năm tháng công tác dẫu bận rộn việc chuyên môn rồi đến khi nghỉ hưu lại đảm nhận nhiệm vụ tại tổ dân phố, Đỗ Anh Mỹ vẫn luôn là người nỗ lực với nghiệp viết lách, học hỏi bằng đam mê đến tận cùng. Và với ông, văn chương luôn là một khoảng trời riêng đặc biệt để ông có thể chìm đắm với năm tháng tuổi thơ, trẻ lại cùng thanh xuân tươi đẹp, hạnh phúc câu chuyện tình đã qua... để biết thêm yêu, trân quý những điều hiện hữu.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục