Nhà viết kịch Xuân Đặng: “Sống và viết là đối thoại”

- Khi đi vào thế giới kịch của Xuân Đặng, khán giả nhận thấy đặc điểm ở cây bút này, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn sức nặng của văn chương và sắc màu của sân khấu. Với tính cách thâm trầm, ít nói, ông lặng lẽ gom nhặt mọi dư vị, cảm nhận diễn biến của nhân tình thế thái để rồi chắt chiu qua từng trang giấy. Mỗi tác phẩm của ông mang hơi thở cuộc sống, kéo gần hơn khoảng cách giữa kịch với đời.

Nhà viết kịch Xuân Đặng.

Bước sang năm thứ hai, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Làn sóng bùng phát dịch lần thứ tư ở Việt Nam đã khiến sân khấu và các loại hình nghệ thuật lao đao. Gặp nhà viết kịch Phạm Xuân Đặng trong căn nhà nhỏ ở xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang), ông vẫn miệt mài với cuộc đối thoại trên những trang giấy. Ông bảo: “Dịch bệnh ư? Chúng ta cứ nghĩ đó là một nốt lặng trên một hành trình phải đi qua. Văn nghệ sỹ nên biết sống chậm lại, cảm nhận, chiêm nghiệm và tư duy để đằm sâu hơn trong mỗi câu chữ”. Phạm Xuân Đặng là vậy ít nói nhưng khi đã nói thì câu chữ rất chính xác, chắc nịch. Nghệ thuật trong ông tưởng cũ nhưng rất mới. Cái hiện tại và cái truyền thống hòa quyện trong con người thôi thúc ông tư duy và viết.

Phạm Xuân Đặng, sinh năm 1951, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh từ năm 1980. Từng công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, nay ông đã về nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục cống hiến trên con đường sáng tác nghệ thuật. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông thể hiện năng khiếu viết kịch với những kịch bản rất “có nghề” trong các buổi biểu diễn văn nghệ. Qua năm tháng, tài năng Xuân Đặng được rèn dũa cộng thêm vốn sống phong phú đã làm nên nhiều tác phẩm hay tạo “thương hiệu” cho riêng mình. Ông được đánh giá là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của xứ Tuyên với nhiều vở kịch được dàn dựng và trình chiếu, phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Như các vở kịch “Khúc hát của rừng”, “Ngôi nhà hướng Tây”, “Cuộc đời của Nhật”, “Ảo mộng”, “Dòng sông dữ dội”...

Ông quan niệm, để có được một tác phẩm hay thì người làm nghệ thuật phải biết kết hợp hài hòa giữa yếu tố thông tin và nghệ thuật. Do đó, nhiều kịch bản tiểu phẩm, kịch ngắn, kịch vui của ông đã đạt được chất lượng khá tốt, có khả năng sân khấu hóa khá cao. Điển hình như vở kịch: “Sa ngã”, “Đứa con của tôi”, “Chồng Ham vợ Hám”, “Anh nữa chị thôi”,  “Ông già chống AIDS”... Bên cạnh việc dành tâm huyết cho công việc viết tiểu phẩm kịch ngắn, Xuân Đặng vẫn có khát vọng đi vào các đề tài lớn bằng những kịch bản dài. Ở thể loại này, ông tập trung đề cao, ca ngợi những tấm gương chiến đấu hy sinh của các chiến sỹ, anh hùng cách mạng, tái hiện gương người tốt việc tốt trong thời đại ngày nay.

“Khúc hát của rừng” là vở kịch đã được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên VTV1 tạo được hiệu ứng với khán giả trong nước. Tác phẩm kể về chiến sỹ kiểm lâm tên Ngọc là con người hết mình vì công việc. Ngọc yêu quê hương, yêu bản làng người Tày, yêu rừng cây bát ngát. Bằng lương tâm và trách nhiệm Ngọc đã dũng cảm chống lại những tên lâm tặc khét tiếng. Dẫu có lúc bị đồng nghiệp xấu và lâm tặc cấu kết đổ oan thế nhưng với bản lĩnh người đảng viên trẻ anh vẫn không khuất phục. Vở kịch khép lại bằng chiến công lớn của đội trưởng Ngọc và đồng đội khi khống chế đám lâm tặc và thu giữ khối lượng gỗ lớn. Niềm vui lại nhân lên khi kiểm lâm Ngọc và cô gái Tày tên Liên được gia đình hai bên ưng thuận tổ chức đám cưới, trong niềm hạnh phúc của lứa đôi.

Một phân cảnh trong vở kịch "Khúc hát của rừng" của tác giả Xuân Đặng trình chiếu kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Gần 2 giờ đồng hồ, khán giả được trải qua mọi cung bậc cảm xúc: vui - buồn - xúc động - phẫn nộ và cuối cùng là dư âm của niềm hạnh phúc, tin tưởng về bản lĩnh của những người trẻ, sống hết mình vì quê hương. Với nội dung mang tính nhân văn, dàn diễn viên có tài năng của Nhà hát kịch Việt Nam đã biểu diễn thành công vở kịch “Khúc hát của rừng” với nhiều tình tiết kịch tính, hấp dẫn, cuốn hút người xem.

Bên cạnh câu chuyện về cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ rừng của những kiểm lâm chân chính, vở kịch còn lên án những hủ tục lạc hậu ở bản làng nơi đây. Đó là hiến mạng người cho thần rừng hay bắt thú rừng để làm lễ  vật trong đám cưới. Những con người cổ hủ dần được “sáng mắt” khi được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền với câu chữ, lý lẽ sắc bén. Điều làm nên sự lôi cuốn tác phẩm đó là câu chuyện tình đẹp nhưng cũng đầy những trắc trở của Ngọc và Liên. Những phân đoạn, lời đối thoại đầy yêu thương khiến khán giả như trẻ lại cùng đôi  bạn. Và bằng tình yêu chân thành, Liên đã luôn bên cạnh Ngọc để vượt qua những thử thách, trở ngại để đến ngày hái quả ngọt yêu thương.

Có thể thấy rằng, Phạm Xuân Đặng chọn cho mình lối viết nhẹ nhàng, thâm thúy theo phong cách chính kịch. Mỗi nhân vật trong từng vở kịch của ông là những con người bằng xương bằng thịt ta như gặp đâu đó trong cuộc sống đời thường chứ không phải là sự hư cấu, hình tượng hóa. Chính vì thế với ông, cuộc sống và viết là một cuộc đối thoại đầy nghiêm túc và chưa bao giờ muốn dừng lại.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục