Màu của tháng Bảy

- Năm nào cũng vậy, tháng Bảy về, lòng mỗi người con dân đất Việt lại rưng rưng thương nhớ. Ở các nghĩa trang liệt sỹ trên khắp mọi miền Tổ quốc, hương khói nghi ngút. Đó là một cách thể hiện sự kính trọng thiêng liêng mà mỗi người dân đất Việt muốn gửi gắm, tỏ bày lòng biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho dân tộc.

Không biết từ khi nào, tháng Bảy về, trong tâm thức của mình, tôi thường nghĩ tháng Bảy - tháng đền ơn đáp nghĩa là tháng của màu đỏ. Không phải là những nghĩa trang liệt sỹ luôn đỏ lửa, nghi ngút khói hương mà chính là những câu hát da diết, cháy lòng: “Ngọn núi nơi anh ngã xuống/Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn”, trong bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến. Mỗi khi tháng Bảy về, những lời ca ấy luôn ám ảnh và giúp tôi chợt nhận ra rằng, màu của tháng Bảy chính là màu đỏ sắt son, màu đỏ của dòng máu nóng thiêng liêng mà lớp lớp người đi trước đã ngã xuống, để một lòng gìn giữ từng tấc đất non sông. Những lời ca ấy đã thắp lên trong lòng tôi, thắp lên trong lòng mọi người niềm cảm phục về sự hy sinh bất khuất, anh hùng.


Lãnh đạo và phóng viên Báo Tuyên Quang thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (tháng 7-2020).  Ảnh: Quốc Việt

Thật khó để tìm thấy khoảnh khắc nào trong năm khiến con người ta dễ chạnh lòng nghĩ ngợi đến vậy, mỗi khi tháng Bảy về. Không nghĩ sao được khi có bao lớp người chẳng sá gì tuổi xuân, tính mạng, hy sinh xương máu cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Hoặc nếu may mắn sống sót trở về, phần lớn trong số họ đã không giữ được một thân thể nguyên vẹn hoặc chiến tranh đã cướp đi của họ niềm hạnh phúc trọn vẹn. Sau cuộc chiến, những vết thương mà các thương, bệnh binh mang trong mình một lần nữa lại in đậm trong tâm thức mỗi người chúng ta về cuộc chiến khốc liệt, về những đau thương, mất mát mà họ đã từng trải, không dễ gì quên.

Tháng Bảy về, lại nhớ những lần cùng người thân, cơ quan, bạn bè đến viếng các anh hùng liệt sỹ tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Đường Chín… Thật xúc động biết bao về những người con ưu tú của khắp mọi miền đất nước đã nằm xuống cho hôm nay quê hương, đất nước ta giàu đẹp, thanh bình. Các anh, các chị đã bỏ lại sách vở, xóm làng, người thân… để đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi nằm lại ở những nơi xa xôi ấy. Họ là những anh hùng trẻ mãi tuổi thanh xuân và sống mãi trong lòng người dân cả nước. Bao thế hệ người dân đất Việt hôm nay và mai sau sẽ mãi biết ơn và sẽ nhớ mãi các anh, các chị!

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã im tiếng súng từ mấy chục năm rồi, nhưng bao nỗi đau vẫn còn âm ỉ. Tháng Bảy về, vẫn còn những người mẹ, người vợ liệt sỹ trông di ảnh chồng, con mà khóc chẳng thành tiếng, những giọt nước mắt như  lặn ngược vào tim. Bởi họ vẫn chưa tìm được chồng, con giờ đang nằm ở nơi nào? Và còn đó, những “nỗi đau da cam”của những cựu chiến binh và gia đình họ, khiến chúng ta không khỏi đắng lòng, lặng người khi được chứng kiến.

Tháng Bảy về, tháng của đền ơn đáp nghĩa, tháng của màu đỏ sắt son! Triệu con tim ấm nóng của cả dân tộc như hòa lại trong cùng một nhịp đập, cùng chung tay thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha ông đã anh dũng ngã xuống và những gia đình chính sách mà cả dân tộc đang chịu ơn họ. Đặng góp thêm một chút an ủi, xoa dịu đi nỗi mất mát không thể bù đắp được cho các gia đình chính sách. Đó cũng là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam!

Hoài Thu

Tin cùng chuyên mục