Thủ lĩnh chè trên đỉnh Phia Chang

- Phia Chang từng được mệnh danh là vùng đất “khỉ ho cò gáy” của xã Sơn Phú (Na Hang) với vài chục nóc nhà của người Dao đỏ. Cuộc sống biệt lập trên núi cao khiến cuộc sống của người dân khó trăm bề. Không bằng lòng với câu chuyện chỉ lo kiếm bữa qua ngày, thủ lĩnh thôn Phia Chang Đặng Văn Dấu đã quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Và câu chuyện khởi nghiệp của anh bắt đầu từ chè Shan tuyết - loài cây đã gắn bó với người dân từ khi giữ đất, lập làng.

Thưởng trà “ba cực”

Chúng tôi đến thôn Phia Chang giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày tháng 5. Ấn tượng đầu tiên không chỉ bởi không gian trong lành, thư thái, khác hẳn với không khí oi nồng chốn đô thị mà còn bởi hương chè ngào ngạt xâm lấn mọi không gian. Đi trong ngát hương chè, chúng tôi đến nhà Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX Sơn Trang Đặng Văn Dấu.

Pha ấm trà nóng mời khách, anh Dấu chia sẻ: Phia Chang chẳng có gì ngoài chè. Bởi cuộc sống của đồng bào Dao còn khó khăn lắm. Con đường bê tông vào thôn vừa mới hoàn thành năm ngoái thôi chứ trước kia, nhắc đến thôn Phia Chang thì ai cũng lắc đầu ngao ngán. Sự học của bao người dân ở đây vì vậy mà dang dở, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đến nay thôn vẫn còn hơn 40% hộ nghèo. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, anh luôn trăn trở phải làm gì để cuộc sống người dân vơi bớt khó khăn. Anh nhận thấy, chè Shan tuyết là cây gắn bó, chở che cho dân làng từ bao đời nay. Hơn nữa, những năm gần đây chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao. Vì vậy, cứ bắt đầu từ cây chè. Mà nhà báo uống thử trà đi xem điều tôi nói đúng không?

Anh Đặng Văn Dấu (bên phải) kiểm tra búp chè trước khi thu hái.

Nâng chén chè nóng hổi lên, tôi ngay lập tức bị cuốn hút bởi hương thơm nồng nàn mà chỉ hít hà thôi cũng thấy “đã”. Nhấp ngụm trà đầu tiên, cái dư vị ngòn ngọt, chát nhẹ từ đầu lưỡi lan dần xuống cổ… khiến mọi giác quan của tôi dường như bị đánh thức.

- “Đã” quá anh. Đúng là chè ngon nổi tiếng!.

Anh Dấu từ tốn:

- Người dân ở đây ví von, chè Shan tuyết là chè 3 cực: cực khổ - khâu trồng và thu hoạch, cực sạch - không thuốc trừ sâu, không phân bón, không chất bảo quản và cực ngon - hương thơm, vị ngọt hậu, nước vàng sánh.

Nói rồi anh khoát tay chỉ về phía đồi chè xa tắp trên đỉnh núi rồi phân trần. Trồng chè trên núi cao vốn đã khó nhưng khâu thu hái còn khó hơn vì cây cao, đó còn chưa kể công vận chuyển về. Tuy nhiên, nhược điểm cũng chính là ưu điểm. Nơi đó khí hậu trong lành quanh năm, chè được tắm mát bởi mạch nước ngầm từ lòng đất nên mang hương thơm, vị ngọt tinh khiết của núi rừng. Người Dao trồng chè để giữ đất, giữ làng và cũng vừa để làm thứ nước giải khát. Qua thời gian, có những cây đã hàng trăm năm tuổi mấy người ôm không xuể. Nhờ những cây chè như thế mà bà con người Dao dẫu sống trên núi cao nhưng không sợ lũ quét, lũ ống đe dọa. Bởi vậy người Dao quý cây chè lắm, cứ đi đến đâu là họ mang theo cây chè đến đó. Đến nay tổng diện tích chè Shan tuyết của cả thôn chừng 25 ha. 

Hàn huyên một hồi rồi anh chốt, công dụng của chè Shan tuyết thì nhiều, nhưng người Dao ở đây tóm gọn 3 lợi ích chính là: Chống thiên tai, chống bệnh tật và chống đói nghèo.

Bí quyết gây thương nhớ

Câu chuyện xóa đói giảm nghèo từ cây chè có lẽ là trăn trở lớn nhất hiện nay với bà con thôn Phia Chang. Gánh trên vai trọng trách của người đứng đầu thôn, anh Dấu không biết bao đêm thức trắng tìm hướng đi. Anh tâm sự, muốn du khách nhớ đến chè Shan tuyết thì phải có sự khác biệt. Mà khác biệt anh cho là mấu chốt là phải tạo được hương vị đặc trưng gây được thương nhớ cho người thưởng chè. Và từ đam mê uống chè, anh cùng các bậc cao niên đã tìm ra bí kíp để có sản phẩm chè hội tụ đủ phẩm chất đỉnh cao: nước sánh vàng như mật, hương thơm tinh khiết và vị ngọt hậu.


Anh Đặng Văn Dấu giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết.

Rót ly trà nóng, anh Dấu phân tích, chè Shan tuyết có 3 loại. Loại 1 là ngon nhất vì hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 1 lá. Giá chè khô thượng đẳng này lên tới 1,2 triệu đồng/kg. Còn chè loại 2 thì giá mềm hơn, 600 trăm nghìn đồng/kg và bình dân hơn cả là loại 200 - 300 nghìn đồng/kg. Nhưng để có chè cao cấp loại 1 thì không thể cứ muốn là được. Bởi nó còn phụ thuộc vào điều kiện thu hái. Ví như, đúng kỳ thu hoạch, chỉ cần gặp 2 - 3 ngày mưa là chè đã già, không đủ tiêu chuẩn 1 tôm 1 lá, chỉ còn chè loại 2, loại 3. Thậm chí nếu mưa kéo dài cả tuần, chè quá lứa phải đốn bỏ và thiệt hại là người nông dân.

Sự kỳ công còn nằm ở thời điểm thu hái. Chè ngon nhất là hái vào buổi sáng sớm, khi trên những búp chè còn đọng những hạt sương mai. Chè hái về rồi vẫn phải chọn kỹ lại những búp chè không bị sâu, sau đó mới sơ chế. Sản phẩm chè đạt chuẩn là những búp chè săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây núi gió ngàn. Bí quyết sao sấy chè của người Dao ở đây vì thế mà chẳng dễ gì học được.

Tham vọng xuất khẩu chè 

Dẫn chúng tôi tham quan đồi chè rộng chừng 7.000 m2, anh Dấu cho biết, trung bình mỗi năm, thôn Phia Chang cung cấp cho thị trường khoảng 2,5 tấn chè khô các loại, trong đó chè loại 1 khoảng 1,2 tấn. Mặc dù vậy, tham vọng đưa chè Shan tuyết vượt biên giới quốc gia trước đây có lẽ chưa ai ở Phia Chang dám nghĩ tới. Cho tới khi, mọi người được tận mắt thấy hình ảnh chè Shan tuyết Na Hang của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào cuối tháng 8-2020. Cả làng đêm hôm ấy vui như hội bởi chè Shan tuyết ở Phia Chang lâu nay đã được HTX Sơn Trà thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cùng với chè Shan tuyết ở Hồng Thái. Nhà nào cũng pha ấm trà Shan tuyết để cùng “thẩm” đặc sản chè quê mình đã ra “biển” lớn.

Riêng anh Dấu tối ấy không ngủ. Tố chất nhanh nhạy của người thủ lĩnh mách bảo anh, cơ hội đến phải nắm bắt ngay. Nhưng “muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi nhiều người”. Và HTX Sơn Trang nhanh chóng được thành lập vào tháng 12-2020 do anh làm giám đốc mang theo hoài bão, khát vọng lớn lao về đưa chè Shan tuyết trên đỉnh Phia Chang vượt biên giới quốc gia. HTX hiện có 3 máy sao chè công suất  2- 3 tạ/máy nên toàn bộ chè của bà con thu hái đều được thu mua, sao sấy luôn. Với giá thu mua từ 20 - 60 nghìn đồng/kg chè búp tươi (tùy loại), trung bình mỗi hộ cũng có thêm khoảng 
20 - 30 triệu đồng/năm.

Sau khi liên kết những người nông dân lại, vấn đề tiếp theo anh tính đến là mở rộng vùng nguyên liệu. Anh vận động bà con trồng chè ở gần nhà, vừa để mở rộng diện tích, vừa để tiện chăm sóc, thu hoạch. Anh còn dày công nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật gieo ươm cây giống. Bước đầu anh gieo ươm thành công 10 vạn cây giống lấy từ hạt cây chè tổ, chè gốc trên núi đáp ứng cây giống chất lượng cho người dân.

Cây giống, vùng nguyên liệu được giải quyết, nhưng kinh tế muốn phát triển thì giao thông phải đi trước. Với vai trò là bí thư chi bộ, lần nào họp xã hay tiếp xúc cử tri anh đều kiến nghị về việc nâng cấp đường giao thông. Và đến năm 2017 tuyến đường được Nhà nước đầu tư xây dựng và vừa hoàn thành vào năm 2020 mở ra cơ hội phát triển mới cho thôn. Thực hiện chương trình bê tông hóa vào vùng sản xuất hàng hóa, anh còn vận động bà con hiến đất, mở đường. Nhờ thế thôn đã có vài trăm mét đường bê tông vào vùng chè. Việc thu hái, vận chuyển của bà con cũng vơi bớt khó khăn. Từ đầu vụ, HTX đã sản xuất được hơn tấn chè khô các loại.

Từng nút thắt cứ thế được gỡ, đến nay anh và các thành viên của HTX Sơn Trang cùng với những người trồng chè đang xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Na Hang. Và một tin vui nữa vừa đến khi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang. Điều này khiến giấc mơ của những người trồng chè Shan tuyết Na Hang thêm gần lại.

Rời Phia Chang, trong tôi còn vương vấn mãi vị ngọt chén trà và câu chuyện khởi nghiệp từ cây chè của Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX Sơn Trang Đặng Văn Dấu. Với những gì anh đã và đang làm cho thôn Phia Chang thì phần thưởng anh xứng đáng nhận được không chỉ là Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05, giai đoạn 2016 - 2020 mà còn là sự ghi nhận của bà con đối với đóng góp của anh trong việc đưa hương chè Shan tuyết bay cao hơn, xa hơn, để từng ngôi nhà của người Dao ở Phia Chang được thay áo mới.

Phóng sự: Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục