Sắc màu thổ cẩm của người Dao đỏ

- Tự hào khi nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cộng đồng người Dao đỏ ở Tuyên Quang luôn có ý thức gìn giữ và phát triển. Nhờ vậy, những vuông thổ cẩm qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao không chỉ dệt nên những bộ trang phục lộng lẫy mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Ở Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa), những đứa trẻ được học thêu từ bé.

Chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội HLPN xã Xuân Lập (Lâm Bình) tự hào khi nói về vẻ đẹp của trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ. Chị bảo, vẻ đẹp của bộ y phục ấy không chỉ đến từ màu sắc sặc sỡ, bắt mắt mà còn thu hút bởi những họa tiết hoa văn nhiều tầng ý nghĩa. Chính bởi thế hầu hết phụ nữ Dao đỏ nào trong xã cũng biết thêu. Họ thêu theo trí tưởng tượng, mô phỏng hình cỏ cây, hoa lá, con vật gần gũi với cuộc sống của người dân như hình quả trám, hình cây thông, hình chữ thập,... Nhìn vào bộ trang phục truyền thống phụ nữ mang trên người có thể đánh giá được sự cần cù, chịu khó, khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ ấy.

Với đồng bào Dao đỏ xã Minh Hương (Hàm Yên), cách thêu hoa tiết họa văn trên trang phục cũng khác biệt so với người Dao đỏ ở Sơn Phú, Đà Vị (Na Hang) hay Xuân Lập (Lâm Bình). Mặc dù vẫn là họa tiết hoa văn mô phỏng vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng hoa văn thêu thưa hơn và trải đều toàn bộ chiếc khăn cuốn đầu. Còn đồng bào Dao đỏ ở Na Hang khi thêu lại thêu tập trung vào phần khăn cuốn phía trước, các hoa văn dày đặc, đan xen.

Những họa tiết hoa văn bắt mắt trên chiếc khăn vấn đầu của người Dao đỏ
 xã Minh Hương (Hàm Yên).

Hiện nay, trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ đã trở thành sản phẩm du lịch. Chính bởi thế mà tại một số chợ phiên đã xuất hiện gian hàng bày bán quần áo dân tộc Dao đỏ hay những phụ kiện như khăn đội đầu, chiếc yếm, quả bông len... Chị Phùng Thị Tâm, người bán hàng tại chợ phiên xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cho hay, nhiều người tìm đến gian hàng chỉ để chụp ảnh. Có khi họ chọn lấy chiếc khăn vấn đầu rồi check in, người khác thì ướm thử cả bộ trang phục, có bạn lại thích thú với những quả bông len đỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là ai cũng thích thú với vẻ đẹp của trang phục cũng như những vuông thổ cẩm.

Thổ cẩm được coi là linh hồn tạo nên vẻ đẹp trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ. Vẻ đẹp ấy không chỉ đến từ chất liệu, màu sắc, hoa văn mà còn đến từ chính tâm hồn của người thêu gửi gắm trong đó. Đó chính là tầng sâu văn hóa trường tồn với thời gian, làm nên giá trí của bộ trang phục truyền thống mà người Dao đỏ luôn tự hào, gìn giữ.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục