Chiêm Hóa một vùng đất cổ

- Từ đời Đinh - Tiền Lê hơn ngàn năm trước, Chiêm Hóa là châu Vị Long của nước Việt. Sang thời thuộc Minh đổi làm châu Đại Man. Sang thời Hậu Lê, đến năm Minh Mệnh thứ 15, vẫn là châu Đại Man thuộc phủ An Bình hay còn gọi là Yên Bình, đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1861) vua Minh Mệnh mới đổi làm châu Chiêm Hóa, thuộc phủ Yên Ninh cũng lập cùng năm. Như vậy tên Chiêm Hóa chính thức có từ năm 1861, và từ đó đến nay tên Chiêm Hóa đi vào  lịch sử Tuyên Quang, vào lòng người cả nước.

Chiêm Hóa mà tôi viết trong bài này là Chiêm Hóa của những năm 1885 - 1889 thời kỳ mà Đồng Khánh đang ở ngôi Vua. Lúc đó châu Chiêm Hóa gồm cả huyện Nà Hang và cả huyện Lâm Bình ngày nay. Châu Chiêm Hóa có 4 tổng, 36 xã, 3 phố, 1 trại, 1 vạn chài. Thú vị nhất là châu Chiêm Hóa lúc đó đã có tới 3 phố đi vào lịch sử là Phố Nghi thuộc tổng Thổ Bình; Phố Đài (Đài Thị), Phố Trinh thuộc tổng

Cổ Linh, trại Lôi Trinh ở tổng Thổ Bình và vạn chài mang tên Vạn Xóm thộc tổng Cổ Linh. Ngày đó chưa có Phố Chiêm như các bạn gọi bây giờ đâu! 

Ngày xưa ấy, dân trong châu Chiêm Hóa ở nhà sàn và trồng nhiều lúa Nếp. Lúa Nếp của Chiêm Hóa ngon nổi tiếng vì dân trồng lúa và thả cá chép trên ruộng, đến mùa gặt mới thu hoạch cá, nên ruộng trồng lúa nếp được cá chép sục bùn lên làm cho lúa tốt hơn, khi lúa đâm bông hạt căng và mẩy hơn. Vào mùa xuân, trong các tháng giêng, hai, thanh niên nam nữ thường tổ chức ném còn, khoảng mười ngày mới tan hội. Đến tháng 10 khi gặt lúa, trai gái lại tập trung chày cối thi nhau giã gạo cho vui. 

Chiêm Hóa có nhiều núi, non, sông, suối. Các núi Thần Sơn ở xã Gia Thận tổng Thổ Bình; núi Tượng Sơn ở xã Khúc Phụ tổng Thổ Bình; núi Tạ Sơn ở xã Vĩnh Yên tổng Vĩnh Yên. Con sông Khâm Giang (là sông Gầm, hay sông Gâm ngày nay) từ xóm Vạn, qua đồn Vĩnh Yên đến phố Đôn chảy suốt chiều dài của châu Chiêm Hóa, đến ngã ba sông Lô ở xã Cường Nỗ, gọi là ngã ba Tam Kỳ thì hợp lưu hòa vào sông Lô chảy qua Tuyên Quang. Con sông Hoành Giang từ đồn Vĩnh Yên đến đồn Chợ Xá đi thuyền khoảng 3 ngày. Sông này ngày nay người ta gọi là sông Năng nằm trên đất Na Hang.

Châu Chiêm Hóa giáp với huyện Vĩnh Điện, tức là vùng Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng ngày nay, đây là nơi hoạt động của Nông Văn Vân và nhiều người nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn, vì thế châu Chiêm Hóa có tới ba đồn binh. Đồn Xóm Xá có quân triều đình đóng giữ, đồn Vĩnh Yên (trước chỉ là bảo, nhỏ hơn, quân số ít hơn đồn), đồn Chợ Xá (Xá Thị - Đà Vị - Nà Năng). Dân số ngày đó rất ít, một vùng mênh mông đồi núi như vậy chỉ có 1.021 đinh với 2.906 mẫu ruộng, dân ngụ cư là người Thanh chỉ có 13 người, người Nùng 13 người, người Mán chỉ có 394 người. Dân số ít nên thuế khóa đóng cho triều đình cũng rất ít, cả năm thuế đinh điền chỉ có 1.343 quan có lẻ, thóc nộp hộc.

Châu Chiêm Hóa xưa là như thế, huyện Chiêm Hóa hôm nay khác xa rồi. Nhưng “ôn cố tri tân”, cung cấp để các bạn Chiêm Hóa thưởng ngoạn khi tết đến xuân về.

Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục