Địa danh Tuyên Quang thời nhà Nguyễn

- Cuốn sách “Tuyên Quang trong Đại Nam thực lục” do Báo Tuyên Quang và tác giả Phí Văn Chiến thực hiện, Nhà xuất bản khoa học xã hội mới phát hành có ghi các danh từ, địa danh Tuyên Quang trong các thời kỳ của triều đại nhà Nguyễn. Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, Báo Tuyên Quang xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Địa danh Năng Khả (Na Hang) đã được ghi trong sử sách thời Nguyễn. Trong ảnh, khu rừng Phiêng Bung, xã Năng Khả.

Thời kỳ vua Gia Long (1802 - 1820):

Nhâm Tuất, năm Gia Long thứ 1 (1802), tháng 5. Lấy hết đất An Nam, tất cả 14 trấn, 47 phủ, 187 huyện, 40 châu. Trấn Tuyên Quang 1 phủ là Yên Bình, 1 huyện là Phước Yên, 5 châu là Đại Man, Thu Vật, Vị Xuyên, Bảo Lạc, Lục Yên.

Thời kỳ vua Minh Mệnh

Từ 1820 - 1829: Các sở Tiểu Miện, Muộn Ải, Sam Mộc, Cung Bản, Bình Bản thuộc châu Vị Xuyên. 5 châu gồm: Lục Yên, Thu Châu, Đại Man, Vị Xuyên, Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang.

Từ 1830 - 1833: Tuyên Quang thống trị 1 phủ là Yên Bình, 1 huyện là Hàm Yên, 5 châu là Vị Xuyên, Thu Châu, Đại Man, Lục Yên, Bảo Lạc.

Phủ Yên Bình là toàn bộ huyện Yên Bình gồm huyện Hàm Yên, 5 châu (nay là huyện Yên Bình, Yên Bái). huyện Hàm Yên gồm toàn bộ đất Hàm Yên, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang hiện nay. Châu Vị Xuyên gồm toàn bộ huyện Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang) hiện nay. Thu Châu gồm toàn bộ đất xã Đại Đồng và các xã giáp huyện Hàm Yên, nay thuộc vùng ven lòng hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái). Châu Đại Man gồm toàn bộ huyện Chiêm Hóa, Na Hang của Tuyên Quang hiện nay. Châu Lục Yên có lúc gọi là châu Lục An gồm toàn bộ huyện Lục Yên (Yên Bái) hiện nay. Châu Bảo Lạc gồm đất huyện Yên Minh - Hà Giang và huyện Bảo Lạc nay tách ra, trở thành huyện Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng hiện nay.

- Từ 1834 - 1840: Nhiều địa danh được nhắc đến, nay đều thuộc các xã của huyện Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa như: Lăng Can (Lâm Bình); Cồn Luân (nay là Côn Lôn); Kim Tương (nay là Thanh Tương), Năng Khả của huyện Na Hang; Bình Xa (Hàm Yên)... Ngoài ra, còn nhiều địa danh khác dưới thời vua Minh Mệnh thuộc tỉnh Tuyên Quang nay thuộc các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng.

Bản đồ Tuyên Quang dưới triều Nguyễn.

Thời kỳ vua Thiệu Trị (1841 - 1847):

Vua Thiệu Trị dời lỵ sở huyện Để Định về xã Niêm Sơn (trước đây huyện lỵ ở xã Mậu Duệ). Nay Mậu Duệ thuộc huyện Yên Minh và Niêm Sơn thuộc huyện Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

Thời kỳ này đã có bia ở xã Tụ Long phân giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Nay xã Tụ Long thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Một số địa danh Tuyên Quang đã được ghi trong sử sách thời đó như châu Chiêm Hóa, cửa Tam Kỳ (Tam Cờ), cửa Bình Kinh nay vẫn thuộc Tuyên Quang. Các địa danh như châu Vị Xuyên (thuộc Hà Giang); Để Định, một phần thuộc Hà Giang, một phần thuộc Cao Bằng. Đồn Ân Quang vốn là đồn Tĩnh Tuyên thuộc huyện Để Định, tỉnh Tuyên Quang, nay thuộc đất Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Thời kỳ vua Tự Đức

Từ 1848 - 1873: Thời kỳ này, bến tuần Tam Kỳ (Tam Cờ) tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được ghi trong sử sách. Bến tuần này đặt ở ngã ba sông Lô và sông Gâm, nay là cửa sông thuộc huyện Yên Sơn.

Đổi xã Phù Hiên (tên xã ở tỉnh Sơn Tây) lệ thuộc vào Thu Châu (tên huyện ở Tuyên Quang), nay thuộc địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Cửa tuần chi nhánh Phù Hiên (vốn là cửa quan của tỉnh Sơn Tây) cho lệ thuộc vào cửa quan Tam Kỳ và được nộp thuế vào tỉnh Tuyên Quang không phải nộp về Sơn Tây.

Huyện Sơn Dương (năm 1869) tên huyện thuộc tỉnh Sơn Tây.

- Từ 1877 - 1883: Sử sách ghi lại: 3 huyện gồm Hàm Yên, Thu Châu, Chiêm Hóa ở tỉnh Tuyên Quang. 4 phủ, huyện, châu: Tương Yên, Vĩnh Tuy, Vị Xuyên, Lục Yên thuộc tỉnh Tuyên Quang. Phủ Tương An trước là châu Đại Man gồm hai huyện Chiêm Hóa và Na Hang. 2 tổng Côn Lôn, Vĩnh Yên, tỉnh Tuyên Quang nay thuộc huyện Na Hang. Một số địa danh khác được nhắc tới nhưng nay đã thuộc tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn.

Ngoài ra, 2 tổng Yên Phú, Yên Vĩnh tỉnh Tuyên Quang nay vẫn chưa biết thuộc huyện nào của Tuyên Quang. 

                                                                                                                                                                 P.V 
                                                                                                                          (Theo sách Tuyên Quang trong Đại Nam thực lục)

Tin cùng chuyên mục