Dưới ánh sáng của Hội nghị Văn hóa, đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà quản lý, khoa học đã gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng vào những quyết sách quan trọng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Báo Hànộimới điện tử xin đăng tải một số ý kiến tâm huyết, hưởng ứng sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt này.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới
Hội nghị Văn hóa toàn quốc mang ý nghĩa đặc biệt, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng dân tộc, “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa”, “phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”, “từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”. Để hiện thực hóa điều này, theo tôi, cần tập trung vào các nhóm giải pháp, với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất với các giải pháp toàn diện, đồng bộ để lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế.
Đó là, phải đặc biệt coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa truyền thống. Lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa Việt Nam, củng cố giá trị văn hóa Việt Nam trong lòng nhân dân thế giới.
Khẩn trương nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới, làm cơ sở, định hướng cho sáng tạo văn hóa thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; đồng thời, chủ động nâng cao sức "đề kháng" của các tầng lớp nhân dân đối với các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại.
Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Phát triển mạnh du lịch - ngành kinh tế - văn hóa mũi nhọn, góp phần rất quan trọng trong việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam:
Để văn hóa, văn nghệ soi đường cho quốc dân đi
“Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, văn nghệ đã thảo luận, đề ra những giải pháp khả thi, thiết thực để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; để văn hóa, văn nghệ thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là một nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng nhất, soi đường cho quốc dân đi tới, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Nhân sự kiện trọng đại này, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam kiến nghị có nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, đóng vai trò định hướng, mở đường cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới; ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, bảo đảm nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức.
Về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí. Đồng thời, có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp. Chăm lo sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ từ tăng cường tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện sớm; tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng… đến có giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt và có những cống hiến to lớn cho xã hội, đất nước.
PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
Tiêu chí quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước
Thực tiễn đã minh chứng quan điểm của Đảng về vai trò nền tảng và động lực tinh thần của văn hóa. Càng ngày, chúng ta càng nhận ra sự phát triển kinh tế - xã hội phải song hành và hướng đến mục tiêu văn hóa. Sự phát triển của văn hóa phải được xem là tiêu chí quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước. Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện của Nhà nước, mà còn là câu chuyện của các địa phương, của cả cộng đồng, xã hội.
Việc đưa ra những quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn là vô cùng quan trọng, nhưng việc triển khai những quan điểm đó cũng quan trọng không kém. Trong đó, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cần được nhận thức một cách đầy đủ hơn, đúng đắn hơn để từ đó có thể phát huy những giá trị tích cực trong sự nghiệp phát triển đất nước. Những biểu hiện suy thoái trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo; những bất cập trong khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương cần được nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ để có giải pháp khắc phục.
Cuối cùng, hãy nhận thấy những giá trị to lớn của văn hóa nói chung, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng đối với phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, bởi đây là một nguồn lực quý giá của đất nước. Phát huy vai trò, giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo cho phát triển đất nước, theo chúng tôi cũng chính là giữ gìn, bảo tồn giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo.
PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương:
Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại
Hội nghị Văn hóa toàn quốc là dịp nhìn lại, đánh giá công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, đồng thời còn là diễn đàn lắng nghe những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ đóng góp cho văn hóa nước nhà, góp phần đáp ứng mong mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật cũng như các tầng lớp nhân dân về vấn đề chấn hưng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới.
Những quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc phát huy mọi năng lực sáng tạo, tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển văn hóa đối ngoại, để văn hóa thực sự là “sức mạnh mềm” của quốc gia trong các quan hệ quốc tế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người phát triển toàn diện.
Gửi phản hồi
In bài viết