Văn Nghệ Tuyên Quang - Những chặng đường khó quên

Tháng 6 năm 1982, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên chính thức được thành lập. Chủ tịch Hội đầu tiên lúc đó là ông Đặng Quang Tiết, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ông Hoàng Định là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm nhiệm và ông Gia Dũng là Phó Chủ tịch Tổng Thư ký: Năm 1992 Hà Tuyên tách tỉnh với tên gọi là Hà Giang và Tuyên Quang. Hội Văn học Nghệ thuật cũng tách ra làm hai nóc nhà nhưng tháng 6 năm 1982 vẫn được coi là một mốc khai sinh của Hội Văn nghệ Tuyên Quang bây giờ.

Hội Văn học Nghệ thuật từ một phòng văn nghệ của Ty Văn hóa nay tách ra với bộ máy riêng, hoạt động độc lập theo tôn chỉ, mục đích nghề nghiệp đã đánh dấu cột mốc đầu tiên của văn nghệ tỉnh nhà trên chặng đường dài của mình sau này. Đến hôm nay Văn nghệ Tuyên Quang đã đi được chặng đường 40 năm - một chặng đường gập ghềnh, không bằng phẳng nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng và mặt bằng văn nghệ cả nước nói chung.

Những người đặt viên gạch đầu tiên xây nên ngôi nhà văn nghệ lúc đó chính là những hội viên của Hội Văn nghệ Việt Bắc cùng với các cộng tác viên của Phòng văn nghệ thuộc Ty Văn hóa Hà Tuyên. Họ cộng tác, lao động làm việc ở các môi trường khác nhau nhưng có chung niềm đam mê nghệ thuật, văn chương nay được tập hợp lại dưới mái nhà chung văn nghệ. Có thể kể ra một số các tác giả tiêu biểu để làm nên Hội Văn nghệ lúc bấy giờ như: Phù Ninh, Đức Hùng, Đinh Công Diệp, Gia Dũng, Hoàng Định, Phạm Thuyết, Huy Tuyên, Cao Xuân Thái, Xuân Bạch, Nguyễn Trọng Hùng, Trần Huy Vân, Đoàn Thị Ký, Ngọc Việt, Ngọc Hiệp, Lê Na, Nguyễn Đình Kiền, Nguyễn Thị Kim Thu... (Văn học); Hải Hà, Nông Tú Tường, Hồ Thăng, Công Tuyên, Thanh Tình, Dương Thị Phúc (Nhiếp ảnh); Quốc Kứu, Văn Làn, Mạnh Đức, Công Mỹ… (Mỹ thuật); Trần Công Khanh, Hoàng Hợp, Hà Phan, Tân Điều, Quang Thành, Trần Ngoan… (Âm nhạc); Đình Thiêm, Sùng Thị Mai, Mai Khánh... (Sân khấu); Thái Thành Vân (Kiến trúc).

Sau này đội ngũ hội viên được bổ sung thêm qua các kỳ kết nạp. Nhiều cây bút tài năng, nhiệt huyết đã được bổ sung, tạo nên một lực lượng sáng tác đông đảo và có chất lượng.

Sắc thu Na Hang. Ảnh của Đinh Công Thủy.

Dấu ấn đầu tiên hoạt động của Hội chính là Trại sáng tác văn học các tỉnh miền núi phía Bắc vào tháng 11/1984 do Hội Văn nghệ Hà Tuyên đăng cai tổ chức tại thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang). Trại sáng tác mở ra trong thời điểm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang hồi quyết liệt mà mặt trận Vị Xuyên, Thanh Thủy đang nóng bỏng. Trại có 6 trại viên tỉnh bạn là Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng (lúc đó là: Bắc Thái, Hoàng Liên Sơn và Cao Bằng). Đó là Hồ Thủy Giang, Nguyễn Minh Sơn, Thái Sinh, Thế Sinh, Cao Duy Sơn, Nguyễn Hữu Tiến. Ở Tuyên Quang có Đinh Công Diệp, Đoàn Thị Ký, Nguyễn Trọng Hùng và một số cây bút quen thuộc khác.

Có một điều đáng nói là trại sáng tác đã được đón các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn thời tiền chiến và thời chống Mỹ lên dự và giảng dạy. Đó là các nhà thơ Xuân Diệu, Chính Hữu, Hữu Thỉnh. Các nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Thành Long, và nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Thi sĩ Xuân Diệu tuổi đã cao, ông từng ở chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến nay trở lại với bao nhiêu xúc động. Anh em văn nghệ sĩ Hà Tuyên cũng thật cảm động khi được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng mà trước đây chỉ được đọc quan sát tác phẩm.

Tỉnh ủy rất quan tâm đến Hội và đến trại sáng tác. Đồng chí Nguyễn Văn Đức, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên đã đến nói chuyện với trại sáng tác và anh em văn nghệ sĩ về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và tình hình nóng bỏng trên dọc biên giới phía Bắc. Trại sáng tác tỉnh phía Bắc được sống trong không khí vui vẻ và tình cảm yêu thương đùm bọc của Đảng bộ, chính quyền và anh em bạn bè văn nghệ địa phương. Nó gây ra một tiếng vang lớn trong giới văn nghệ cả nước và phải nói thêm rằng, sau này các trại viên chính thức của trại sáng tác đều đã trở thành những nhà văn, nhà thơ có tiếng tăm trong làng văn nghệ Việt Nam.

Sau dư âm của trại sáng tác các tỉnh miền núi phía Bắc anh chị em phóng viên, biên tập viên, thường trực Hội lại bắt tay vào công việc củng cố Hội, đẩy mạnh sáng tác, xuất bản, cố gắng đưa văn nghệ hòa chung vào dòng chảy đời sống văn hóa, chính trị, xã hội của địa phương và tự khẳng định mình. Anh chị em trong Ban Biên tập lúc đó gồm: Hùng Dũng, Đinh Công Diệp, Đoàn Thị Ký, Triệu Đăng Khoa, Nguyễn Tuấn, Nông Hải Việt, Vương Ngọc Vấn thường xuyên có những chuyến đi cơ sở, lên vùng cao phía Bắc và nơi đồng bào vùng sâu, vùng xa Na Hang, Chiêm Hóa để thâm nhập thực tế, nắm bắt cuộc sống và phản ánh trong những trang viết của mình. Đặc biệt trong cuộc chiến tranh biên giới ác liệt, anh chị em đã có nhiều chuyến đi đến với các chiến sỹ đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận. Họ đã từng leo lên những điểm chốt, ăn, ngủ cùng bộ đội trong những căn hầm trên đỉnh núi. Đã từng có đêm ngồi trên cabin không kính, cùng các chiến sỹ hành quân ra mặt trận. Nhiều bút ký, ký sự chiến trường, nhiều bài thơ và truyện ngắn xúc động đã ra đời trong những chuyến đi như thế và được đăng tải trên Văn nghệ Hà Tuyên và Báo chí văn nghệ Trung ương. Tập truyện ngắn “9 truyện ngắn Hà Tuyên” ra đời trong thời điểm này đánh dấu sự khởi đầu của công tác xuất bản sách mạnh mẽ sau này.

Năm 1988, Tạp chí Văn nghệ Hà Tuyên được đổi tên thành Báo Tân Trào.

Năm 1992 Hà Tuyên tách tỉnh trở lại với tên gọi hai tỉnh cũ là Hà Giang và Tuyên Quang. Hội Văn học Nghệ thuật cũng tách ra thành hai nóc nhà văn nghệ. Đây cũng là thời điểm khó khăn, thách thức của anh chị em nghệ sĩ, cũng như Thường trực Hội Văn nghệ Tuyên Quang, khi mà cơ chế thay đổi. Đã có lúc người ta đánh đồng Hội Văn học Nghệ thuật với các Hội xã hội, nghề nghiệp khác như Hội nuôi ong, Hội Sinh vật cảnh… Bởi thế anh chị em phóng viên, biên tập viên và những lãnh đạo Thường trực Hội Văn nghệ hoạt động trong sự khó khăn, thiếu thốn nhiều bề. Báo Tân Trào phải thực hiện cơ chế tự cân đối thu - chi. Anh chị em trong Ban Biên tập làm xong, in ra tờ báo phải phân công nhau về cơ sở để bán báo.

Tôi còn nhớ một lần gần đến Tết Nguyên Đán. Thường trực phân công Mai Liễu, Nông Tú Tường, Đinh Công Diệp, Trịnh Thanh Phong và tôi đi vùng cao công tác. Còn lại Phù Ninh, Nguyễn Tuấn, Trần Thái ở nhà làm báo Tết. Hết đợt công tác, chúng tôi trên đường về nhà đến xã Trung Môn thì gặp Phù Ninh đang đạp xe ngược, trên xe cũng một chồng báo. Anh bảo: “Báo in xong rồi đẹp lắm! Tớ đi bán báo”. Cuộc vui gặp mặt giữa đường, vui vì thấy tờ báo đẹp do bao công sức anh em đã ra đời. Nhưng lại chợt thấy cái gì đó rưng rưng chạnh lòng. Đích danh Chủ tịch Hội phải đi bán báo. Nghe cứ như chuyện làm báo thời tiền cách mạng vậy.

Lại nhớ một chuyện khác, thời kỳ nhà thơ Mai Liễu làm Tổng Biên tập Báo Tân Trào. Cũng vì cơ chế mà suốt cả một năm trời chúng tôi làm báo, viết báo không công, không một đồng nhuận bút. Anh Mai Liễu thương anh em cứ chạy lên, chạy xuống để tìm cách cho anh em nhuận bút mà không thành công. Anh ngậm ngùi bảo anh em thông cảm. Cho đến sau này về công tác ở Hà Nội, mỗi lần lên Tuyên Quang gặp anh em văn nghệ sĩ, anh vẫn ân hận mãi và coi mình vẫn còn món nợ với anh chị em Văn nghệ Tuyên Quang. Dù vậy trong một điều kiện khó khăn như thế anh em văn nghệ vẫn động viên nhau vượt qua, hoàn thành công việc anh chị em hội viên, cộng tác viên nhiệt huyết với Hội vẫn luôn sát cánh, cộng tác chặt chẽ với Báo Tân Trào và vẫn theo đuổi những đam mê sáng tác.

Nhưng rồi những mắc mớ trong chính sách với văn nghệ dần dần được tháo gỡ. Đảng và Nhà nước có cái nhìn thấu đáo hơn và những chính sách phù hợp hơn với văn nghệ. Mặc dù là tỉnh nghèo nhưng từ khi thành lập Hội, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm đến sự phát triển của sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhà. Khi đó có cơ chế mới thì sự quan tâm ấy cũng được thể hiện sâu sắc hơn. Sự quan tâm đó đã tạo nên một không khí phấn khởi, tin tưởng cho những người cầm bút. Các sáng tác nở rộ, các tác phẩm văn học được in ấn nhiều hơn. Tờ Báo Tân Trào vẫn xứng đáng làm mảnh đất ươm trồng tài năng và cũng là diễn đàn văn học, nghệ thuật giao lưu với giới văn nghệ cả nước. Giờ đây Tạp chí Tân Trào đang tiếp nối Báo Tân Trào, đồng hành cùng sự phát triển đi lên của Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang

Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật lần thứ VII vào cuối năm 2021. Năm 2022 tới cũng là điểm mốc đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập. 40 năm của chặng đường văn nghệ chưa phải là dài nhưng những gì đã làm được chúng ta cũng cảm thấy tự hào. Từ con số không ban đầu, hiện nay chúng ta có vài chục văn nghệ sĩ là Hội viên của các chuyên ngành Trung ương: Hội Văn học Việt Nam, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Kiến trúc sư, Hội Văn nghệ dân tộc thiểu số Việt Nam. Chúng ta đã xuất bản được hàng trăm đầu sách của các tác giả, tham gia các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh toàn quốc và mở triển lãm cá nhân. Lực lượng hội viên tiếp tục được bổ sung những lớp trẻ tài năng và nhiệt huyết… Tất cả điều đó nói lên Văn nghệ Tuyên Quang đang tiếp bước những chặng đường mà những thế hệ trước đã tạo nên.

Giờ đây Văn nghệ Tuyên Quang đã chuyển giao cho thế hệ trẻ. Những người lớp trước tuổi đã cao và có người đã mãi mãi ra đi. Chặng đường đã đi qua là chặng đường gập ghềnh, không bằng phẳng. Kỳ vọng vào Đại hội VII, Đại hội của sự đoàn kết và sức trẻ sẽ đưa Văn nghệ Tuyên Quang tiến lên phía trước hòa cùng dòng chảy của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Theo VHNT Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục