Các nghệ sĩ tham gia tổng duyệt chương trình.
Khoảng 500 nghệ sĩ ráo riết tập luyện cho đêm diễn
Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng Hòa bình” do Báo Nhân Dân phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức nhằm ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền nam - bắc.
Hai mươi năm đau thương, mất mát, hy sinh càng cháy lên khát vọng hòa bình, thống nhất non sông trong từng con người Việt Nam, nhất là đồng bào vùng giới tuyến. Đặc biệt, là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép Vĩnh Linh đầu cầu miền bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam.
Đạo diễn Việt Đặng cho biết, ê-kíp thực hiện chương trình đã mất hơn 2 tuần để hình thành khối nội dung, xây dựng kịch bản và 1,5 tháng để tìm ra nét chính của câu chuyện lịch sử, đưa vào sân khấu nghệ thuật.
Những ngày này, đạo diễn Việt Đặng và khoảng 500 diễn viên, trong đó có khoảng 300 diễn viên quần chúng là bà con địa phương, có những người từng ở vùng K8, K10 rất hồ hởi, hăng say luyện tập.
Đây là lần thứ hai, đạo diễn Việt Đặng được tín nhiệm làm đạo diễn âm nhạc chương trình nghệ thuật chính luận do Báo Nhân Dân tổ chức. Anh tâm sự, đây là chương trình khá đặc biệt khi mong muốn tái hiện 100% lịch sử, dấu ấn lớn đã diễn ra tại vùng đất này.
“Dựa trên yếu tố lịch sử có thật với khoảng 70-80% chất liệu, hình ảnh, diễn tiến truyền đầy cảm hứng, chúng tôi đã nghệ thuật hóa lịch sử một cách nhẹ nhàng, tình hơn, cảm xúc hơn, mang màu sắc hơi thở hiện đại hơn”, đạo diễn Việt Đặng cho hay.
Thay vì sử dụng một điểm sân khấu chính, chương trình “Vĩ tuyến 17-Khát vọng Hòa bình” sử dụng sân khấu đa không gian. "Chúng tôi chọn địa điểm Kỳ đài là sân khấu trung tâm, bên cạnh đó, sẽ có thêm 6 không gian biểu diễn vệ tinh đều có giá trị lịch sử riêng như khu vực tượng đài chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, cầu Hiền Lương...
Tại một số khúc sông, chương trình tái hiện cảnh diễn đậm chất lịch sử, tái hiện lại hình ảnh từng đoàn thuyền đưa các chiến sĩ, nhu yếu phẩm, lương thực, đưa nội dung công hàm, mật lệnh kết nối 2 bờ.
Ngồi bệt bên góc thềm, chờ tới lượt lên diễn, ông Lê Văn Nước (xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nói chuyện rôm rả với nhóm các ông trong đội diễn viên quần chúng. Từng theo đoàn con em Vĩnh Linh ra khỏi vùng ác liệt của chiến tranh hủy diệt, sau gần một năm được bà con Thái Bình cưu mang, ông Nước trở về quê hương, làm công an vũ trang.
Suốt mấy chục năm trên mảnh đất này, những hố bom cũng đang dần được lấp hết. Bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ông Chấp bảo, ai cũng vui vẻ xây dựng cuộc sống mới. Lần này, ông lại được cùng bà con xã Vĩnh Chấp kể lại câu chuyện lịch sử anh hùng của quê hương mình trên sân khấu nghệ thuật.
“Hai tháng nay, tôi và bà con trong xã miệt mài tập luyện lắm, ai cũng vui vì được góp một phần vào câu chuyện lịch sử quê hương”, nói rồi ông Nước theo chân “đồng đội” đảm nhiệm vai cựu chiến binh, diễn minh họa trong tiết mục âm nhạc “Bài ca không quên”, chạy về vị trí tập kết để chuẩn bị cho buổi tổng duyệt.
Chương trình mang thông điệp hòa bình của Việt Nam ra thế giới
Đạo diễn Việt Đặng cho biết, chương trình bao gồm hai phần chính: Phần lễ và Chương trình nghệ thuật chính luận. Trong đó, chương trình nghệ thuật có 5 chương gồm: “Những ngày tháng 7”, “Như không hề có cuộc chia ly”, “Máu và hoa”, “Nơi nhìn ra sức mạnh Việt Nam”, “Đất thép nở hoa”.
Một trong những tiết mục đặc biệt của chương trình là lễ chào cờ “kết nối quá khứ và hiện tại”, xuất phát từ hoạt cảnh một nghi thức chào cờ bí mật ở bờ nam sông Bến Hải. Tiết mục chào cờ được thể hiện qua dàn hợp ca và dàn kèn giao hưởng, với 3 tốp ca ở bờ nam sông Bến Hải, trên cầu Hiền Lương và tại sân khấu Tượng đài Vĩnh Linh, kết hợp với dàn quân nhạc và tốp ca bên dưới sân khấu cùng hình ảnh những cột cờ khác nhau ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước.
Chương trình sẽ có hai phóng sự được xây dựng công phu. Phóng sự: “Tiếng ca bên bờ Vĩ tuyến” đưa người xem đến với giọng hát của Nghệ sĩ Nhân dân Châu Loan, một giọng dân ca miền trung và là một nghệ sĩ ngâm thơ độc đáo trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, tiết mục hát múa dân ca miền trung “Giọng hò quê ta” sẽ được xây dựng trên nền giọng ca của cố Nghệ sĩ Nhân dân Châu Loan, kết hợp cùng ca sĩ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu.
Chương trình còn đưa người xem về với những năm tháng người dân Vĩnh Linh “ẩn mình trong lòng đất” để sống và chiến đấu, khi toàn bộ Vĩnh Linh đâu cũng là những làng hầm, và mầm sống tiếp tục vươn lên từ lòng đất. Những năm tháng này được kể lại qua phóng sự “Làng trong hầm”, được trích một phần từ bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17 - Cuộc chiến tranh nhân dân” của đạo diễn người Hà Lan Joris Iven (năm 1968).
Hình ảnh Quảng Trị đổi mới, vượt khó đứng dậy sau chiến tranh, nỗ lực trở thành một điểm đến mới trong du lịch, một điểm sáng trong kinh tế… được thể hiện qua phóng sự “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” cùng các tiết mục vui tươi, trẻ trung, hiện đại như “Anh có về Quảng Trị với em không”, “Quảng Trị ngày mới - Vĩnh Linh 4.0”…
Tình cảnh phân ly, những cảm xúc vỡ òa khi được gặp lại nhau của người dân giới tuyến hai miền ở vĩ tuyến 17 được tái hiện lại trong hai vở kịch ngắn “Chung một màu da” và “Chúng ta là người nhà”, do tác giả, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết kịch bản.
Lấy biểu tượng là những cánh bưu thiếp trao đổi giữa nhân dân hai miền, trên nền bối cảnh cây cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải, vở kịch “Chung một màu da” cho thấy sự chuyển biến về tâm lý của những người lính ở bờ nam sau khi bị thuyết phục bởi sự chính trực, đại nghĩa và nhân ái của những người ở bờ bắc.
Còn vở kịch “Chúng ta là người nhà” mang màu sắc vui vẻ, nhẹ nhàng, mở đầu bằng câu chuyện một chàng lính pháo cao xạ và một cô nữ dân quân yêu nhau nhưng chưa kịp báo cáo, từ đó nhắc lại “huyền thoại” về tình cảm giữa hai quê hương Tân Kỳ (Nghệ An) và Vĩnh Linh (Quảng Trị) sau cuộc sơ tán thế kỷ những năm 1967-1972.
Là nghệ sĩ đã có kinh nghiệm 30 năm hoạt động nghệ thuật tại Quảng Trị, sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Linh chứa nhiều đau thương, chị Trương Thương Huyền tâm sự, chị rất hạnh phúc khi được góp một phần sức nhỏ bé của mình trong vở diễn, với việc lo phần đạo cụ, cũng như đề xuất cách sử dụng ngôn ngữ của diễn viên cho phù hợp với ngôn ngữ người dân bản địa.
“Từ kịch bản nghệ thuật về câu chuyện lịch sử của địa phương, tôi cùng ê-kíp sản xuất đã làm cho vở diễn đời hơn, thực hơn với việc đưa vào cách nói, cách sử dụng ngôn ngữ địa phương để chuyển tải câu chuyện lịch sử đã diễn ra ở đây bằng những con người thật ở mảnh đất này”, chị Huyền tâm sự.
Theo chia sẻ của chị Huyền, những câu chuyện về lịch sử này đã được nhiều lần tái hiện trên phim ảnh, trong các chương trình ca múa nhạc, nhưng đây là lần đầu tiên, nội dung hai vở kịch này được tái hiện trong chương trình nghệ thuật chính luận như “Vĩ tuyến 17-Khát vọng Hòa bình”.
Cũng theo tiết lộ của nghệ sĩ này, do làm về lịch sử nên ê-kíp sản xuất rất khó khăn trong tìm trang phục, đạo cụ của vài chục năm về trước. "Chúng tôi đã cố gắng tìm tới các cụ cao niên thời đó, gọi đến các đơn vị phục trang ở hãng phim nhưng không tìm ra được chất liệu cho đạo cụ. Vì thế, chúng tôi không thể làm chuẩn xác 100% trang phục, chất liệu", chị Huyền chia sẻ.
Hơn 500 diễn viên đã sẵn sàng cho một chương trình nghệ thuật chính luận đặc sắc, với một không gian sân khấu mở, nhiều điểm nhấn ấn tượng về nghệ thuật đã sẵn sàng để phục vụ khán giả cả nước, mang theo thông điệp về một Việt Nam hòa bình, Việt Nam luôn khao khát hòa bình và Việt Nam là điểm đến của hòa bình.
“Từ vết cắt lịch sử tại Bến Hải, những người nơi đây đứng lên mạnh mẽ hơn, kiến tạo giá trị mới cho xã hội, cho đất nước. Vì thế, khi làm đạo diễn âm nhạc, tôi muốn hướng tới đây không chỉ là sự kiện của Vĩnh Linh mà còn là sự kiện toàn cầu tái hiện hình ảnh Việt Nam đã biết trong quá khứ và hiện tại. Khát vọng hòa bình chưa bao giờ là cũ với người dân Việt Nam và đây là điều toàn dân hướng tới, cùng triển khai trong tương lai”, đạo diễn Việt Đặng tâm sự.
Gửi phản hồi
In bài viết