Góp sức cho Lễ hội Thành Tuyên

- Mặc dù vẫn chưa đến chính hội nhưng nhiều hoạt động hưởng ứng Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện, được nhân dân đồng tình hưởng ứng từ nhiều ngày qua. Hòa vào không khí sôi nổi ấy là sự tham gia tích cực của chị em phụ nữ. Các chị đã góp sức tạo nên những ngày hội với những trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng với du khách gần xa.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Chị Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, Hội LHPN thành phố Tuyên Quang đã xây dựng Kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024. Trong đó, chương trình “Đêm hội sắc màu dân tộc Thành Tuyên” được tổ chức vào tối 8-9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành là một điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động đó. Tại chương trình, các chị em đến từ các xã, phường sẽ trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam; biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như: Dao, Cao Lan, Tày... Ngoài ra, Hội còn tổ chức các hoạt động Giao lưu văn hóa, văn nghệ, dân vũ, khiêu vũ trên tuyến phố đi bộ của thành phố, vào các tối ngày 5, 6, 7, 14, 21, 28-9-2024. Liên hoan, trình diễn dân vũ (mở rộng) năm 2024 cũng sẽ được tổ chức sôi nổi tại Phố đi bộ thành phố, với 50 tiết mục dân vũ đặc sắc của 25 câu lạc bộ thuộc Hội LHPN các xã, phường của thành phố biểu diễn. Thông qua các hoạt động tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân và du khách trong dịp liên hoan và Lễ hội; giới thiệu đến nhân dân và du khách về tiềm năng, thế mạnh, các giá trị văn hóa, lịch sử, miền đất, con người Thành Tuyên thân thiện, mến khách.

Phụ nữ thôn 5, xã Lưỡng Vượng khuấy động bên xe mô hình Trung thu.

Những ngày này, các hội viên phụ nữ là thành viên của Câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc dân tộc Cao Lan phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đang chăm chỉ tập luyện các tiết mục để tham gia vào các hoạt động do Hội LHPN thành phố triển khai. Chị Trần Thị Bắc, Chủ tịch Hội LHPN phường Đội Cấn cho biết, Hội phân công 2 nhóm múa ở chi hội phụ nữ tổ 5 và chi hội phụ nữ tổ 6 tập luyện 3 tiết mục múa dân tộc Cao Lan để tham gia biểu diễn tại “Đêm hội sắc màu dân tộc Thành Tuyên”; phân công các hội viên chi hội phụ nữ tổ 11 chuẩn bị 2 tiết mục dân vũ để tham gia tại Liên hoan, trình diễn dân vũ (mở rộng) năm 2024. Hiện nay, mỗi tối các thành viên CLB dành 2 giờ để tập luyện các tiết mục tại nhà văn hóa tổ. Ai nấy đều rất hào hứng, nhiệt tình, nghiêm túc tập luyện để đem tới cho đêm hội 1 tiết mục đặc sắc.

Hết mình cho những ngày hội

Bên cạnh các chương trình được tổ chức bài bản, dịp này nhiều hoạt động tự phát, nhỏ lẻ được chị em nhiệt tình thực hiện nhằm tạo nên những màu sắc vui tươi trên khắp phố phường. Chị Đặng Hải Thanh, chủ cơ sở chăm sóc sắc đẹp Hải Thanh Spa, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, khi hòa mình vào các đêm hội, chị thường mặc các trang phục dân tộc hoặc áo cờ đỏ sao vàng tham gia diễn diễu cùng các mô hình Trung thu. Chị tự bỏ tiền mua hoặc thuê trang phục dân tộc để cho các chị em, bạn bè mượn để mặc và cùng xuống phố tạo không khí sôi động, lan tỏa hình ảnh đẹp này đến mọi người. Mặc dù khi khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc này để nhảy trong thời tiết oi nóng rất mệt nhưng chị rất vui khi du khách thích thú. Chị mong muốn việc làm của chị sẽ tạo một hình ảnh, ấn tượng đẹp để níu chân du khách”.

Không chỉ riêng chị Thanh, mỗi tối, theo chân các xe mô hình để diễn diễu khắp các phố là các chị em phụ nữ ở các tổ dân phố. Chị thì ngồi trên xe trông trẻ em, chị thì mặc áo dài, áo cờ đỏ sao vàng... cùng tham gia nhảy múa bên xe mô hình. Dù đôi chân có mỏi, dù mồ hôi mướt mát nhưng không lấn át được niềm vui của các chị.

Vừa qua, tại Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn), Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú, ấn tượng. Hầu hết các chương trình, hội thi thì đều có các chị em tham gia. Chị Lê Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Chân Sơn cho biết, chị vô cùng phấn khởi khi năm nay xã mình được tỉnh lựa chọn để tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh. Trước Ngày hội, Hội LHPN xã đã thực hiện “3 cùng” giúp gia đình hội viên làm homestay dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà ở; phối hợp với Tổ tự quản vệ sinh môi trường của thôn Động Sơn huy động hội viên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên nhà văn hóa, làm cỏ và chăm sóc các tuyến đường hoa. Trong thời gian ngày hội diễn ra, Hội phân công 5 hội viên/ngày túc trực nhặt rác đảm bảo vệ sinh môi trường; vận động các thành viên ở Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan tích cực tham gia biểu diễn các bài hát, múa đặc sắc của người dân tộc Cao Lan; vận động chị em tham gia các hoạt động chế biến, giới thiệu ẩm thực dân tộc...

Có thể khẳng định, những hoạt động hưởng ứng tích cực của chị em phụ nữ không chỉ góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng các dân tộc trong toàn tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số mà còn góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024.

Bài, ảnh: Thu Hương

Tin cùng dòng sự kiện