Em Nguyễn Hà An, Liên đội trưởng trường Tiểu học An Tường, thành phố Tuyên Quang rất vui khi hòm thư Điều em muốn nói ở trường mình đã được các bạn đón nhận. Ở trường, Hà An là một cô học trò hoạt bát, nhanh nhẹn cùng thành tích học tập ấn tượng. Trong những năm học vừa qua em luôn hoàn thành xuất sắc các nội dung môn học. Trong năm học này em đạt giải Nhì hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh, giải Nhất cuộc thi Ươm mầm ước mơ do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức.
Làm Liên đội trưởng, gần gũi với các bạn đội viên, bản thân Hà An cũng là người thường xuyên được các thầy cô trò chuyện cùng mỗi khi thầy cô muốn hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của các bạn trong lớp, trong trường.
Video Hà An chia sẻ.
Hòm thư Điều em muốn nói ra đời với mong muốn được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những chia sẻ của các em học sinh về các hoạt động học tập, rèn luyện, vui chơi, trải nghiệm tại nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ của bản thân, giúp các em thêm mạnh dạn, tự tin.
Các em học sinh hào hứng với hòm thư Điều em muốn nói.
Qua hòm thư, các thầy cô đã được lắng nghe rất nhiều ý kiến của học sinh về những điểm hài lòng và chưa hài lòng. Các em đã mạnh dạn đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh nội dung học tập và các hoạt động của nhà trường. Việc bày tỏ ý kiến cá nhân được các bạn thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Vẽ tranh, tóm tắt bằng sơ đồ tư duy.
Có bạn mạnh dạn bày tỏ mong muốn thầy cô ít nghiêm khắc và vui vẻ hơn, mong mỗi khi vào lớp, các thầy cô hãy nở những nụ cười thật tươi tắn… Mong muốn có sân trường rộng hơn để được vui chơi thỏa thích, những bữa ăn phụ phong phú hơn…
Những diễn đàn được tổ chức ở trường học để các em nói lên suy nghĩ của bản thân.
Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Tổng Phụ trách Đội trường Tiểu học An Tường chia sẻ, “Điều em muốn nói” – chính là mong mỏi của nhà trường, thầy cô và cha mẹ học sinh hiện nay. Để có thể làm mọi điều tốt nhất cho trẻ em, tạo điều kiện cho các em phát triển cũng như là bảo vệ, chăm sóc tốt cho trẻ em chúng ta phải biết các em muốn gì, thích gì. Thông qua các ý kiến, nhà trường đã kịp thời nắm bắt được những tâm tư tình cảm, những băn khoăn đối với lứa tuổi hồng, những điều các em quan tâm đối với các kì thi, hoạt động ngoại khóa, với thầy cô và bạn bè....
Thầy cô sẽ kiểm tra hòm thư mỗi ngày, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Trong tháng 10 vừa qua, nhà trường phát động các em viết về những điều muốn nói với cha mẹ và đã nhận được rất nhiều bức thư xúc động. Nhiều em đã chủ động bày tỏ tình cảm của mình với cha mẹ, thấy hiểu cha mẹ đã làm việc vất vả và yêu thương mình như thế nào, cũng có em thì bày tỏ mong muốn cha mẹ ít quát mắng hơn, cho em được đi du lịch cùng cả nhà vào cuối tuần… Nhiều bức thư đã được nhà trường gửi đến phụ huynh để phụ huynh nắm được phần nào tâm tư, nguyện vọng của con mình, từ đó gần gũi với con hơn.
Còn trong tháng 11, hòm thư đã nhận được rất nhiều những tấm thiệp tự làm của các em học sinh chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, những lời tri ân, lời xin lỗi mà các em gửi đến thầy cô. Nhiều em đã dũng cảm nhận lỗi và hứa sẽ thay đổi, không để thầy cô buồn lòng nữa. Theo cô Nga, đây chính là thành công của Điều em muốn nói, nó cho thấy các em và thầy cô đã có thể tìm được tiếng nói chung, lắng nghe và thấu hiểu nhau hơn.
Sinh hoạt lớp về chủ đề gia đình của em.
Điều em muốn nói còn nhiều nhiều nữa, là những thắc mắc về học tập, những yêu cầu đáng yêu của trẻ nhỏ, những lỗi lầm cần sự tha thứ, bao dung. Các em muốn tìm hiểu về thế giới bao la và cần lời giải đáp hợp lý, cần một định hướng đúng đắn từ người lớn, thầy cô. Điều em muốn nói cũng chính là điều người lớn chúng ta cần quan tâm để góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho các em.
Thông qua hộp thư, nhiều học sinh đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nhà trường qua đó kịp thời giải quyết và có những tham vấn giúp các em giải tỏa lòng mình.
Gửi phản hồi
In bài viết