Đóng góp từ rừng
Tuyến đường bê tông chinh phục núi Bầu ở xã Phú Lương (Sơn Dương) hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân bởi đã giải quyết được khó khăn trong thu hoạch, sản xuất nông lâm nghiệp. Ông Hầu Quang Huy, Chủ tịch xã Phú Lương bảo, làm đường bê tông nội đồng ở thôn Trấn Kiêng và thôn Đồng Khuôn là sự nỗ lực cao của người dân, bởi 2 thôn này có 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đóng góp từ 4-6 triệu đồng để mua cát, sỏi, san ủi mặt bằng. Không nhà nào kêu ca phàn nàn gì cả mà quyết tâm làm bằng được tuyến đường để kinh tế đi lên.
Dẫn chúng tôi lên núi Bầu xem con đường bê tông vắt qua dốc cao, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trấn Kiêng Hoàng Thị Phượng nói: "Đây là đoạn đường dốc nhất, toàn đá xít cộng với có khe nước chảy ngấm xuống, mỗi lần xe chở gỗ keo, bạch đàn từ rừng xuống thì thót tim vì trơn trượt. Trời mà mưa thì phải phơi nắng ít nhất 3 ngày mới đi được. Bởi thế mà trên 250 ha rừng khu vực núi Bầu bán lúc nào cũng bị rẻ hơn nơi khác từ 3 đến 4 giá". Bà Phượng bảo, con đường này là lối đi của cả thôn, khu núi Bầu không khí mát mẻ, trong lành, có thác nước nên người dân thường tìm về đây thưởng ngoạn, tắm mát. Thôn có 170 hộ đều là dân tộc Cao Lan và bà con tự nguyện đóng góp làm con đường này. Cách đóng góp ở đây cũng khá đặc biệt, tính theo diện tích rừng mà mỗi gia đình trong thôn có, nhà nhiều rừng thì đóng góp nhiều, từ 6 đến 8 đồng, nhà ít rừng thì đóng góp hơn 1 triệu đồng. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có rừng, quả là no ấm từ rừng là thế.
Đường bê tông lên núi Bầu, thôn Trần Kiêng, xã Phú Lương ( Sơn Dương).
Đóng góp 7 triệu đồng làm đường, ông Trần Văn Quán đang chăm sóc cây rừng bảo, chính sách hỗ trợ của tỉnh vừa đúng vừa hợp lòng dân. Nếu tỉnh không hỗ trợ xi măng thì người dân không đủ sức làm con đường này. Từ nay, việc vận chuyển hàng hóa, trồng rừng, khai thác rừng không còn quá vất vả như trước bởi vì đoạn khó đã có đường bê tông. Còn một đoạn nữa, người dân cố gắng làm nốt trong năm sau.
Con đường bê tông nội đồng gần 200m thôn Đồng Khuôn, xã Phú Lương hoàn thành từ sự cộng hưởng chính sách và sức dân. Ông Phùng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Khuôn chia sẻ, con đường bê tông nội đồng là niềm mong mỏi của người Dao nhiều năm qua nên khi xã triển khai Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh, nhà nào cũng đồng thuận, phấn khởi. Thôn xin hỗ trợ xi măng làm 100m đường nhưng thấy lợi ích từ đường bê tông nên người dân đóng góp thêm 45 triệu đồng làm thêm 50m đường nữa đảm bảo thông tuyến. Ông Thắng bảo, thôn đã đăng ký 800m đường nội đồng đi đến 300 ha rừng sản xuất trên núi để thuận cho sản xuất.
Đội đá vá đường
Xã Minh Khương (Hàm Yên) nổi tiếng với những con đường bê tông băng đồi, vượt núi. Anh Mai Văn Phi, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Minh Khương lái chiếc xe bán tải bon bon lên núi Cống Sào. Anh bảo, con đường 1,6km vượt núi Cống Sào này là công sức của người dân thôn Ngòi Họp, Xít Xa, Minh Thái, Thăm Bon và một số hộ ở xã Bạch Xa. Nhờ có con đường này mà Cống Sào đã phát triển được 200 ha cam các loại, chiếm một nửa diện tích cam toàn xã và là nguồn thu nhập chính cho 50 gia đình.
Cam chăm sóc theo hướng hữu cơ của anh Mai Văn Phi (bên trái) trồng theo hướng hữu cơ
tại núi Cống Sào, xã Minh Khương (Hàm Yên).
Chuyện “đội đá vá đường”, người đốn cây, người dời đất đá, san lấp, làm nền hoàn thành con đường này vẫn được người dân ở đây nhắc đến như một kỳ tích. Núi Cống Sào được ưu ái với cây cam bao nhiêu thì cũng thử thách người trồng cam bấy nhiêu. Đường bê tông 3m đã lên đến lưng chừng núi nhưng để có đường chở cam từ vườn ra đường thì người dân phải tự làm. Anh Phi đã bỏ ra gần 50 triệu đồng góp với 2 hộ dân làm đường bê tông nhỏ chạy qua vườn cam để thuận cho việc chở xe máy vào mùa thu hoạch. Anh bảo, không làm đường bê tông thì đến mùa thu hoạch mà mưa một ngày thì phải 5-7 ngày sau mới dám thu hoạch. Hiện anh Phi có 20 ha cam, thu hoạch nhanh cũng mất mấy tháng, quả cam lại dễ dập và hỏng nên khâu cắt, vận chuyển vất lắm. Đúng là có đường thuận thì mới phát triển được, mấy năm nay cam ở khu vực này được chăm sóc tốt hơn, người dân đã bắt đầu chuyển chăm sóc theo hướng hữu cơ.
1,6 km đường bê tông từ thôn Cao Phạ đến chân núi Gốc Sảng hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân. Anh Trần Văn Mong, Trưởng thôn Cao Phạ, xã Minh Hương cho biết, Cao Phạ nằm cách trung tâm xã khoảng hơn 4 km, tuy nhiên tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất của người dân trong thôn nhỏ, hẹp, dốc đá gồ ghề…dẫn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.
Bao năm người dân mong mỏi nên 12 hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 6.800 m2 đất sản xuất để thôn mở rộng đường. Ông Triệu Văn Chòi hiến trên 1.100 m2 đất để làm đường ở thôn Cao Phạ cho biết: "Trước đây đường nhỏ, hàng hóa, vật liệu…của người dân trong thôn đều phải dùng xe máy. Vận chuyển, đi lại khó khăn nên nông sản làm ra đều bị thương lái ép giá, ảnh hưởng đến thu nhập. Vậy nên, gia đình sẵn sàng hiến đất, đóng góp vì lợi ích chung của thôn, xã. Từ ngày có đường kinh tế người dân bớt khó nhiều".
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khương, những con đường bê tông băng đồi, vượt núi ở Minh Khương thật sự đã giúp người dân thay đổi cuộc sống, sản xuất, giảm chi phí vận chuyển nông sản, rút ngắn khoảng cách giữa các thôn. Trong thời gian tới, xã tiếp tục đăng ký làm đường bê tông tạo động lực phát triển mới.
Đường bê tông nội đồng vượt đồi tại thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).
Chứng kiến những con đường bê tông vượt núi mới thấy hết ý nghĩa và hiệu ứng từ Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh. Ông Phạm Văn Sáng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) phấn khởi nói, chỉ hơn một năm nay thôn đã làm 3,8 km đường bê tông nông thôn, đường bê tông nội đồng. Nhiều người dân trong thôn đã bỏ ra từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để làm đường. Điển hình như ông Nguyễn Minh Hùng ủng hộ 100 triệu đồng làm 375m đường làm nội động; ông Nguyễn Văn Hoàng hỗ trợ thôn 70 triệu đồng làm trên 300m đường nội đồng qua đồi rừng...
Đi trên tuyến đường nội đồng vừa hoàn thành ôm trọn đồi keo đang khép tán, ông Hoàng bảo, tuyến đường ngày trước là đường mòn nhưng lại là lối đi của cả của mấy thôn. Gia đình ông làm kinh tế vườn đồi tại khu vực này gần 20 năm nên hiểu được sự vất vả khi đường không ra đường. Nhưng vì kinh tế eo hẹp nên đành phải chịu chứ trong tâm ông luôn nghĩ một ngày nào đó sẽ làm con đường để việc đi lại, chuyên chở hàng hóa thuận tiện. Khi thôn thông báo đăng ký làm đường bê tông, ông đã tự nguyện bỏ tiền mua vật liệu cát, sỏi làm đường. Ông Hoàng bảo, nghĩ về tương lai của con trẻ nên ông không tiếc gì cả. 70 triệu đồng thì lớn thật đấy nhưng giá trị đường giao thông thuận lợi thì đong đếm sao được. Từ nay cây rừng và cây ăn quả của gia đình ông cũng như người dân trong thôn không còn lo lắng vì đường xá bất thuận nữa.
Những con đường bê tông vượt núi, băng rừng đã mở ra sự phát triển mới trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi miền quê. Đó là giá trị từ Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh mang lại.
Gửi phản hồi
In bài viết