Giữ nghề thêu ở Nà Chác

- Nằm cách trung tâm xã Năng Khả (Na Hang) gần 20 km, thôn Nà Chác hiện là thôn xa nhất của xã. Với 142 hộ dân đều là dân tộc Dao đỏ, nơi đây vẫn đang lưu giữ nghề thêu trang phục truyền thống, một "báu vật" giữa đại ngàn.

Giữ nghề...

Là lão làng trong thôn về nghề thêu thổ cẩm, dù đã hơn 90 tuổi nhưng bà Bàn Thị Nhàng, thôn Nà Chác vẫn còn minh mẫn. Tuy chưa thành thục tiếng phổ thông và phải có phiên dịch, nhưng bà Nhàng tỏ ra hào hứng say sưa kể những câu chuyện về nghề thêu.


Chị Bàn Thị Mai
Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nà Chác.

Bà Nhàng quê gốc ở huyện Lâm Bình, năm 1956 bà về làm dâu ở thôn Nà Chác và cũng là lớp người đầu tiên mang nghề thêu về nơi đây. Bà kể, những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười được các bà, các mẹ truyền dạy cách thêu thùa, may vá. Khi đến tuổi mười tám, đôi mươi, cũng là lúc thiếu nữ biết may cho mình những bộ trang phục truyền thống từ se lanh, dệt vải và thêu hoa văn trên trang phục cá nhân. Phụ nữ Dao đỏ rất tận tụy trong nghệ thuật thêu, tạo ra những bộ trang phục cầu kỳ với khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Bà Nhàng bảo, thêu thổ cẩm không chỉ làm đẹp cuộc sống hàng ngày, mà còn là vật kỷ niệm cho tình yêu và hồi môn trong ngày cưới. Vì vậy, các gia đình có con gái đến tuổi cập kê lấy chồng đều ưu tiên thời gian để con gái hoàn thành bộ trang phục trước ngày cưới.

Với bà Nhàng, thêu thổ cẩm là niềm đam mê, bàn tay nhăn nheo, chai sạn do lao động, nhưng điêu luyện trong cách cầm cây kim, lướt thêu những hoa văn, phối chỉ nhiều màu sắc. Bà nói dõng dạc, màu đỏ, là màu chủ đạo, không chỉ là sự phối hợp hài hòa của sợi thêu xanh, đỏ, trắng, vàng, mà còn là biểu tượng của may mắn và năng lượng tích cực. Sử dụng vải lanh để may trang phục, người Dao đỏ tinh tế thêu những họa tiết như quả trám, chữ vạn, hoa lá, cây cối, chim muông... Tất cả những hình ảnh này không chỉ làm đẹp trang phục mà còn hòa quyện với thiên nhiên, thể hiện sự kết nối mật thiết giữa con người và môi trường sống. 

Bà Bàn Thị Nhàng (ngoài cùng bên trái) là lớp người đầu tiên mang nghề thêu về thôn Nà Chác.

Trao truyền cho thế hệ trẻ

Chị La Thị Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Năng Khả cho biết: Do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nghề thêu thổ cẩm ở Nà Chác hiện đã mai một nhiều. Để phát huy giá trị truyền thống và giữ nghề, năm 2023, Hội LHPN xã và Chi hội Phụ nữ thôn đã tổ chức lớp học nghề thêu và thành lập Câu lạc thêu thổ cẩm Nà Chác với 28 thành viên. Qua đó trao truyền nghề đến với lớp trẻ.

Gia đình Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bàn Thị Mai, hiện đang có 2 thế hệ cùng nắm vững kỹ thuật thêu cổ của người Dao đỏ. Nói đến nghề thêu, chị Mai chia sẻ, chị được học từ năm 9 tuổi và đến năm 15 tuổi thì mới thành nghề. Chị nói: “Học thêu ngày xưa được coi là việc con gái bắt buộc phải biết và phải làm để có thể đi lấy chồng, và ngày đầu tiên được dạy học cũng là ngày đầu năm mới (mùng 1 Tết) theo quan niệm đây là ngày may mắn, ngày con người sáng láng, học hỏi nhanh nhất trong năm”.

Chị Bàn Thị Mai, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nà Chác là người có nhiều tâm huyết với nghề thêu thổ cẩm.

Chị Mai cũng là người tiên phong trong giữ gìn giá trị truyền thống của người Dao đỏ trong lễ cưới hỏi của thôn, nhất là phong tục trao cây kim cho nhà gái để thêu váy áo cho nhà chồng. Chị cho biết, một bộ trang phục truyền thống của người Dao phải dệt, thêu mấy tháng mới hoàn thành. Hoa văn và trang sức bạc trên trang phục của phụ nữ Dao đỏ có nhiều hình ngôi sao với nhiều cánh tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ. Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thêu thổ cẩm là sợi cây đay, lanh có sẵn tại địa phương. Tuy nhiên, theo thời gian có sự góp mặt của khoa học kỹ thuật hiện đại, hiện nay nghề trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải đã không còn, thay vào đó chỉ còn thêu các phụ kiện để gắn lên váy áo.

Năm nay đã gần 70 tuổi, bà La Thị Lai, hiện là người có nhiều sản phẩm về thêu thổ cẩm bán ra thị trường nhiều nhất của thôn. Bà Lai kể, bà chuyên thêu các phụ kiện cho chiếc váy của người phụ nữ Dao đỏ. Cái yếm, cái vạt áo cũng được thêu thổ cẩm, các họa tiết, hoa văn được tạo hình trên mặt tấm thổ cẩm đều gắn với cuộc sống lao động hằng ngày của người Dao đỏ. Đó có thể là hình những con vật quen thuộc hoặc các loại hoa, lá, cây, quả… Việc thêu thùa được chị em phụ nữ Dao Đỏ duy trì như một thói quen vào những lúc nông nhàn, chính điều này đã góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đỏ cho đến ngày nay. Với giá bán khoảng 800.000 đồng mỗi bộ phụ kiện gồm viền áo, quần và mũ, mỗi tháng bà Lai cũng hoàn thành được 2 bộ, công việc làm lúc nông nhàn nên đây cũng là nguồn thu khá ổn định.

Trải qua những thăng trầm, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Dao đỏ ở Nà Chác vẫn tồn tại, được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Địa phương hôm nay nổi lên với phong trào làm Youtube, hiện thôn có hàng chục kênh Youtube do bà con trong thôn xây dựng có doanh thu mỗi tháng đều đặn từ 20 đến 80 triệu đồng. Chị Bàn Thị Mai kể, gần đây một vài Youtuber thay vì làm về cuộc sống sinh tồn, cuộc sống trang trại đã chuyển hướng làm về nghề thêu thổ cẩm của người dân trong thôn và nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Tương lai, việc quảng bá bằng các video, clip qua các kênh mạng xã hội sẽ giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Qua đó góp phần giữ gìn và khơi dậy đam mê nghề thêu thổ cẩm đối với thế hệ trẻ.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục