Không còn là nỗi ám ảnh
Nếu như trước kia mỗi lần ai đó đi ngang qua khu vệ sinh bệnh viện vẫn thấy nồng nặc mùi hôi rất khó chịu. Mặc dù các khu này đã được đóng cửa các phòng vệ sinh nhưng vẫn làm mọi người phải rùng mình.
Từ những vấn đề tồn đọng và khó khăn đó, Bệnh viện đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần, Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh. Một mặt giám sát, đôn đốc công tác vệ sinh của nhân viên vệ sinh tại bệnh viện, thường xuyên kiểm tra đảm bảo công tác vệ sinh được thực hiện tốt. Một mặt tuyên truyền cũng như nhắc nhở người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ nhân viên bệnh viện về ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Tổ hướng dẫn người bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người bệnh quy trình thăm khám.
Theo ghi nhận của chúng tôi, vài năm trở lại đây, nhà vệ sinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã được quan tâm, chú trọng nên gần như không để xảy ra việc mất vệ sinh hoặc nhà vệ sinh bẩn. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo sát sao, đòi hỏi tất cả nhân viên y tế cùng vào cuộc để công cuộc cải thiện nhà vệ sinh ngày càng tốt hơn nữa.
“Yêu cầu của bệnh viện là phải luôn giữ môi trường sạch sẽ, khu vực nào càng nhiều người qua lại càng phải được dọn dẹp kỹ nhất. Nhiều lần, do ý thức của một số người chưa cao, còn nhả kẹo cao su xuống nền nhà làm chị em chúng tôi phải lau dọn mãi mới hết được. Nhưng cực nhất vẫn là dọn dẹp nhà vệ sinh, có nhiều người bỏ rác vào bồn cầu làm nghẹt cứng, mỗi lần vệ sinh chị em phải cố gắng lắm mới dọn sạch và làm thông bồn cầu được. Cực nhọc, nhưng đây là công việc mà chúng tôi đã lựa chọn nên chúng tôi vui vẻ động viên nhau làm việc. Vì đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong bệnh viện cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh mau khỏi bệnh”. - Chị Phạm Thị Hường, nhân viên vệ sinh thuộc Công ty cổ phần, Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang vừa lau hành lang bệnh viện vừa tâm sự.
Anh Trần Văn Đạt, xã Yên Phú (Hàm Yên) chia sẻ: “Tôi chăm mẹ bị tai biến gần 1 tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Phòng điều trị của mẹ tôi cũng ngay gần nhà vệ sinh chung của bệnh viện. Tôi thấy các chị nhân viên ở đây lau chùi, dọn dẹp suốt ngày. Tôi nhận thấy khu nhà vệ sinh sạch sẽ và ổn hơn mấy năm trước rất nhiều.
Anh Lê Văn Thịnh, Phó Phòng Hành chính Quản trị cho biết: Công việc dọn dẹp vệ sinh tại Bệnh viện Đa khoa hiện do gần 50 nhân viên vệ sinh của Công ty Cổ phần, Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang đảm nhận, chia làm 2 ca để có thể đảm bảo bệnh viện luôn được sạch sẽ, kể cả những dịp lễ, tết. Mỗi tầng đều có người dọn dẹp vệ sinh, cứ tuần tự lau dọn trong phòng bệnh rồi lại ra hành lang, khu nhà vệ sinh hầu như không lúc nào các nhân viên vệ sinh ở đây được ngơi tay.
Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ người bệnh đến khám bệnh.
Chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện được đảm bảo đã tạo tâm lý thoải mái cho người nhà bệnh nhân và không còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong bệnh viện là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân mau bình phục.
“Én trắng” nơi cửa viện
Nắng chói chang vẫn không được rời vị trí. Mưa sấp mặt nhưng miệng luôn cười. Đó là nhiệm vụ của những cô gái thuộc tổ chăm sóc khách hàng, Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 700 đến 800 lượt bệnh nhân đến khám. Các vị trí then chốt tại Khoa Khám bệnh, các phòng khám, các cán bộ tổ hướng dẫn người bệnh đã tận tình, chu đáo, ân cần chỉ dẫn, hỗ trợ, chăm sóc kịp thời các đối tượng bệnh nhân, giúp cho công tác khám chữa bệnh hằng ngày được khoa học, nhanh gọn hơn, góp phần giảm tải áp lực căng thẳng lên người bệnh, người nhà bệnh nhân và đội ngũ thầy thuốc.
Khi có người bệnh cần hỗ trợ xe lăn, các hướng dẫn viên sẵn sàng hỗ trợ ngay tức khắc. Khi cần che ô cho người bệnh di chuyển dưới thời tiết mưa gió, nắng nôi, những “đóa hồng” áo trắng luôn túc trực kịp thời!
Cán bộ Bệnh viện Đa khóa tỉnh hỗ trợ người bệnh đến khám bệnh.
“Xin được gửi lời cám ơn thật nhiều tới các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh” - đó là lời chia sẻ chân thành của bà Phí Thị Lâm, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Bà Lâm tâm sự: Những ngày tháng 6 vừa qua bà đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do tuổi đã cao nên việc đi lại của bà cũng gặp nhiều khó khăn. Hôm đó, bà đi khám 1 mình, đến cửa khoa khám bệnh bà tìm cách để bước lên bậc mà không được. Thấy bà loay hoay, một cô điều dưỡng của tổ chăm sóc khách hàng chạy đến gần hỗ trợ bà bước lên, rồi hỏi bà đi khám gì, có ai đi cùng không. Sau một hồi biết bà đi 1 mình cô điều dưỡng đã lấy xe đẩy cho bà ngồi. Không những thế cô còn giúp bà làm thủ tục và đưa bà đến phòng để khám. Bà vui lắm, các y bác sĩ của bệnh viện ai cũng tận tình khám và tư vấn cho người bệnh, không những thế còn hết lòng giúp đỡ người bệnh.
Thường xuyên dậy rất sớm, để có mặt ở bệnh viện lúc 6h30’, chị Ma Thị Na và các bạn trong tổ hướng dẫn người bệnh, phòng Điều dưỡng luôn cố gắng thu xếp cuộc sống của mình sao cho ổn thỏa để công tác tốt. Mùa đông đi sớm xuyên qua màn sương lạnh để kịp đến đúng giờ, mùa hè thì lưng áo luôn đẫm mồ hôi, những nỗi vất vả lặng thầm giấu sau nụ cười và một tâm thái luôn hiền hòa, nhẹ nhõm để lan tỏa tới người bệnh.
Tinh thần sẵn sàng phục vụ, hết lòng vì người bệnh không chỉ thể hiện trong những hoạt động chuyên môn hằng ngày mà còn chú trọng đến những việc làm nhỏ nhất. Các hoạt động đổi mới được ghi nhận đều có sự chỉ đạo quyết liệt từ ban giám đốc và sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ phận.
Gửi phản hồi
In bài viết