Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Tuyên Quang giới thiệu đào tạo nghề qua màn hình thông minh.
Tìm kiếm việc làm qua mạng Internet không phải là một câu chuyện mới thế nhưng hiện nay đang trở nên nóng hơn bởi sự cạnh tranh đến từ rất nhiều các nhà tuyển dụng. Tại các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp người lao động tìm kiếm các thông tin việc làm qua điện thoại thông minh cùng sự hỗ trợ và hướng dẫn tại chỗ từ các nhà tuyển dụng. Tại đây, người lao động được trực tiếp quan sát nơi làm việc cũng như công việc tương lai mình sẽ làm chứ không đơn thuần chỉ xem thông qua các tờ rơi tuyển dụng. Việc trao đổi thông tin giữa người lao động và nhà tuyển dụng hiện nay cũng dễ dàng hơn nhờ các mạng xã hội như Facebook, Zalo, kết nối và giải đáp thông tin trực tiếp khi cần thiết.
Em Nguyễn Tú Anh, tổ 7, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) chia sẻ, lần gần đây nhất em có tham gia phiên giao dịch việc làm tại trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang). Tại đây, em đã tìm hiểu về việc đi du học và làm việc tại Đài Loan và đã nhận được những tư vấn rất cụ thể, chi tiết và hỗ trợ tích cực từ phía công ty tuyển dụng. Em cũng được xem các mẫu hướng dẫn đăng ký làm việc trực tuyến qua mạng Internet, giải đáp các thắc mắc trực tiếp thông qua trang web của nhà tuyển dụng. Em thấy điều này giúp em và nhiều bạn trẻ tiết kiệm được nhiều thời gian để tìm hiểu về công việc mà mình mong muốn.
Giờ đây, người lao động đặc biệt là những người lao động trẻ đang dần làm chủ công nghệ. Điều đó bắt buộc các nhà tuyển dụng phải đáp ứng yêu cầu đó bằng cách cung cấp thông tin đa chiều, trực tiếp, trực tuyến thông qua các kênh tuyển dụng. Ông Nguyễn Như Nhân, Công ty cổ phần Đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực nhân tài cho biết, từ tháng 7-2023 đến nay, Công ty đã đưa được 3 lao động tại huyện Chiêm Hóa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản theo hợp đồng. Hiện tại, 3 trường hợp trên vẫn giữ liên lạc, kết nối thường xuyên với công ty để được hỗ trợ khi cần thiết.
Học sinh trên địa bàn huyện Hàm Yên tham quan hướng nghiệp tại Công ty may LGG Tuyên Quang.
Việc chuyển đổi số trong kết nối cung cầu lao động cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Hiện nay, Trung tâm đang trong quá trình nâng cấp trang web: vieclamtuyenquang.net, tích cực xây dựng và phát triển trang Facebook, Zalo Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang. Cùng với đó, các phiên giao dịch việc trực tuyến để kết nối người lao động với các nhà tuyển dụng cũng được tổ chức thường xuyên đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động.
Tại các phiên giao dịch việc làm, người lao động được tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin về thị trường lao động, như: chế độ chính sách về lao động việc làm, tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, cách thức sơ tuyển, tiếp nhận đăng ký tìm việc làm, đăng ký học nghề, đăng ký tuyển dụng lao động... Thông qua phiên giao dịch việc làm trực tuyến, người lao động được hỗ trợ kết nối, tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu mong muốn. Đặc biệt, giúp 2 bên tiết kiệm thời gian, giảm thiểu việc phải đi lại và tăng tỷ lệ kết nối thành công.
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, thời gian qua, trung tâm đã đa dạng hóa các hình thức giới thiệu, tư vấn việc làm, trong đó chú trọng chuyển đổi số, kết nối việc làm trực tuyến, đăng tải thông tin trên website: vieclamtuyenquang.net, fanpage Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang… Kết quả đã có 16.530 người lao động, học sinh, sinh viên trong năm 2023 được tư vấn, giới thiệu việc làm, đạt 165% kế hoạch năm.
Chuyển đổi số kết nối cung cầu lao động cũng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực khi hướng đến sự đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng trong tìm kiếm việc làm cho người lao động. Qua đó, giúp người lao động sớm tìm được công việc ổn định, phù hợp, có nguồn thu nhập tốt đảm bảo cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết