Bài 1: Đột phá về hạ tầng giao thông
Từ định hướng và tầm nhìn, hạ tầng giao thông, đặc biệt giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa những năm gần đây được đầu tư có trọng điểm, tăng khả năng kết nối vùng; được tỉnh xác định ưu tiên “đi trước” nhằm tạo sức bật mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
NGHỊ QUYẾT HỢP LÒNG DÂN
Hết năm 2020, toàn tỉnh có 736 cầu trên đường giao thông nông thôn, trong đó mới có 155 cầu được xây dựng kiên cố từ các Chương trình 135, Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương... Tuy nhiên, qua rà soát, các địa phương vẫn còn 581 cầu tạm, cầu cũ và những điểm chưa có cầu qua suối, khe. Đây là “nút thắt” lớn của hệ thống giao thông nông thôn và làm gián đoạn hệ thống giao thông vùng miền, liên xã, liên thôn mỗi khi mưa lũ.
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu, đề xuất xây dựng Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cụ thể hóa thực hiện khâu đột phá về hạ tầng giao thông của tỉnh. Đề án được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 55/ NQ-HĐND ngày 20/11/2020 (sau Đại hội Đảng bộ tỉnh một tháng). Chủ trương xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn là quyết sách đúng đắn, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân giúp cho việc kết nối thông suốt các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện, động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 55 là đầu tư xây dựng mới tổng
Cầu Nà Khan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) làm theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
355 cây cầu trên đường giao thông nông thôn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hoàn thành xây dựng ít nhất 200 cây cầu nông thôn tại 7 huyện, thành phố; số cầu còn lại tiếp tục đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 55 được thông qua, căn cứ theo số lượng được phân bổ theo kế hoạch từng năm, Sở Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, đăng ký kế hoạch thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, đồng thời xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí các công việc thực hiện, lập thiết kế mẫu định hình, xây dựng định mức... cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Sở đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các xã, thị trấn kiểm tra thực tế hiện trường, thống nhất danh mục các vị trí đề nghị xây dựng cầu; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai thi công. Đối với các công trình cầu trên đường giao thông nông thôn, Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng, Nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu, đường dẫn và đường kết nối. Chính vì vậy, điều kiện để đầu tư là các địa phương có đăng ký xây dựng cầu phải tiến hành họp bàn với Nhân dân, vận động Nhân dân hiến đất và thống nhất phương án giải phóng mặt bằng.
Quyết sách đúng, đề án cụ thể, bài bản, phương án triển khai thi công rõ ràng và quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân nên Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, được sự ủng hộ cao của các tầng lớp Nhân dân.
“XÓA” CÔ LẬP
Sau gần 4 năm thực hiện Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021- 2025, nhiều địa phương khó khăn của tỉnh đã “thay da đổi thịt” khoác lên mình một diện mạo mới.
Cây cầu Lũng Ỏi, bắc qua con suối Ông Chiên nối liền con đường đi vào 7 hộ dân và vùng sản xuất của gần 40 hộ đồng bào Tày thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Đồng chí La Văn Tám, Bí thư Chi bộ thôn Đán Khao chia sẻ: “Thời gian trước, mỗi khi mưa lũ, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều gia đình thường xuyên bị cô lập, chia cắt nhiều ngày vì mưa lũ. Còn nhớ năm 2021, một gia đình trong thôn có người ốm nhưng vì nước suối dâng cao, chảy siết trong đêm tối, không thể đưa đến bệnh viện điều trị. Bây giờ được tỉnh đầu tư cây cầu bằng bê tông vững chắc, nỗi lo bị chia cắt khi mưa lũ không còn. Vui hơn là nông sản làm ra đến đâu có thương lái đến tận nơi mua, lũ trẻ đi học thuận lợi. Cây cầu đã đem lại cho người dân cuộc sống mới”.
Cây cầu Nà Khan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) được hoàn thành từ 3.000 m2 đất canh tác của 7 hộ dân trong thôn hiến. Ông Ma Văn Lê, Trưởng thôn Nà Khan cho biết: Thôn có 40 hộ sống bên kia suối phải làm cầu gỗ để đi lại, hầu như năm nào thôn cũng phải huy động người dân làm lại cầu do mưa lũ cuốn trôi. Gia đình ông Ma Đình Vàng, người hiến trên 300 m2 làm đường dẫn cầu Nà Khan, giúp đỡ đơn vị thi công chỗ ăn, chỗ ở. “Gia đình cũng như người dân ở đây mong mỏi cây cầu từ lâu nên khi được tỉnh đầu tư, gia đình xung phong hiến đất để cầu nhanh chóng được thi công. Tỉnh đã thấu hiểu được nỗi khổ của người dân thì người dân cũng phải ủng hộ chứ” - ông Vàng chia sẻ.
Giao thông ở xã Hồng Quang giờ đây cũng đã đổi khác rất nhiều nhờ những công trình cầu, đường giao thông theo Nghị quyết số 55. Đồng chí Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 55 đến nay, xã Hồng Quang đã có 3 chiếc cầu được xây dựng, đưa vào sử dụng. Trước đây, khi chưa có cầu, người dân ở các thôn Nà Kham, Bản Tha, Pá Ểm, Khuổi Nga chủ yếu lội qua suối và qua cầu tràn. Nhưng mùa mưa thì đều phải chờ nước suối rút mới có thể đi lại được. Do đó, việc thông thương và đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại. Giờ đây, khi có 3 chiếc cầu mới, mưa lũ không còn là nỗi khiếp sợ của Nhân dân nữa. Đúng là Nghị quyết số 55 đã gỡ “nút thắt” về giao thông cho xã vùng cao Hồng Quang”.
Tuyến đường bê tông chinh phục núi Bầu ở xã Phú Lương (Sơn Dương) là một điểm sáng thực hiện Nghị quyết 55 ở Sơn Dương. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trấn Kiêng Hoàng Thị Phượng nói: “Đây là đoạn đường dốc nhất, toàn đá xít cộng với có khe nước chảy ngấm xuống, mỗi lần xe chở gỗ keo, bạch đàn từ rừng xuống thì thót tim vì trơn trượt. Trời mà mưa thì phải phơi nắng ít nhất 3 ngày mới đi được. Bởi thế mà trên 250 ha rừng khu vực núi Bầu bán lúc nào cũng bị rẻ hơn nơi khác từ 3 đến 4 giá”. Vì thế mong có con đường cứng hóa là mơ ước của 170 hộ dân Cao Lan ở đây nhiều năm qua. Khi xã triển khai Nghị quyết 55 người dân đã góp từ 6 đến 8 triệu đồng, nhà ít rừng cũng góp hơn 1 triệu đồng. Sau 4 tháng triển khai, gần 1 km đường đèo dốc đã hoàn thành.
Với sự nỗ lực của các ngành, các địa phương, toàn tỉnh dự kiến đến 31-12-2024 sẽ hoàn thành 900,88/1.080 km, đạt 83,81% mục tiêu nghị quyết, nâng tỷ lệ đường thôn được cứng hóa đạt 80%, đường nội đồng được cứng hóa đạt 65%; hoàn thành xây dựng 161/200 cầu, đạt 85% nghị quyết. Những cây cầu vượt suối, kết nối những thôn bản khó khăn, con đường bê tông vượt núi, băng rừng đã mở ra sự phát triển mới trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi miền quê. Đó là giá trị từ Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh mang lại.
Gửi phản hồi
In bài viết