Khơi thông nguồn lực sản xuất, kinh doanh

- Trong 9 tháng năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nhiều giải pháp đã được Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng doanh nghiệp" để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong vay vốn ngân hàng.

 Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh trình bày những vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn vay với ngành Ngân hàng tỉnh.

Đi từng ngõ, gõ từng doanh nghiệp

Năm 2023 là năm thứ 2 thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Ngành ngân hàng tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Nhiều giải pháp tăng cường thực hiện kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, chủ động đối thoại, làm việc với khách hàng theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng doanh nghiệp" để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ các khó khăn trong vay vốn ngân hàng, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện bảo đảm chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, thực chất

Ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khách hàng như: Hỗ trợ lãi suất hơn 16 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 12 khách hàng với số dư nợ được cơ cấu là 29,4 tỷ đồng…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang Trịnh Ngọc Tuấn cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có dư địa giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những biến động của kinh tế thế giới, trong nước tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng nên mặc dù ngành ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng, tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Dư nợ đến đầu tháng 10-2023 đạt 28.083 tỷ đồng, tăng 6,9% so với 31/12/2022.

Bên cạnh đó, có nhiều thách thức lớn đang đặt ra mà ngành ngân hàng phải đối mặt giải quyết trong những tháng cuối năm 2023. Đó là nguy cơ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, khả năng hấp thụ tín dụng không cao, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp, Hợp tác xã khó chứng minh hiệu quả, nhiều đơn vị không có tài sản đảm bảo...

 BIDV Tuyên Quang triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tại tỉnh, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm với mức giảm từ 0,5 - 3,5%/năm tùy theo chương trình, sản phẩm, đối tượng khách hàng cũng như từng chi nhánh ngân hàng. Lãi suất giảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Đến 30-9, dư nợ tín dụng cho vay dối với doanh nghiệp đạt 8.178 tỷ đồng, so với 31-12-2022 tăng 456 tỷ đồng, tương đương tăng 5,9%.

Ông Nguyễn Ngọc Đình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng chia sẻ, công ty hiện đang được tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn của ngân hàng với lãi suất 5,4-5,8%/năm. Đây là nguồn vốn với chi phí rẻ giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện công ty đang tập trung nguồn lực thực hiện 4 dự án bất động sản. Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện 4 dự án bất động sản là 1.200 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn tự có của công ty, công ty mong muốn tiếp tục được các ngân hàng đồng hành hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp để thực hiện các dự án của công ty.

Để triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề xuất cần sự phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía chính quyền địa phương, các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn để kích thích đầu tư, tiêu dùng, gia tăng nhu cầu tín dụng, đẩy nhanh vòng quay vốn của nền kinh tế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp cung cấp các chương trình đào tạo và tư vấn kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nắm bắt được các kỹ năng quản lý tài chính để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Tăng cường tham mưu, đề xuất các biện pháp, góp phần xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm được các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo trong hệ thống tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các biện pháp, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận vốn tín dụng.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục