Khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển

- Trong giai đoạn nửa đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng Tuyên Quang vẫn là điểm sáng về lĩnh vực thu hút đầu tư. Kết quả khả quan này đã tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Những kết quả nổi bật thu hút đầu tư

Thu hút đầu tư, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là một những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Ngay sau thành công của Đại hội, UBND tỉnh đã nhanh chóng thực hiện Chương trình hành động bằng việc xây dựng Đề án Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Theo đó mục tiêu giai đoạn tỉnh thu hút từ 45.000 đến 50.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Danko; Tập đoàn Flamigo… Nhiều dự án được phê duyệt chủ trương sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động kinh doanh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh về du lịch và công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến lâm sản, như: Dự án sân golf VINPEARL Mỹ Lâm - TP Tuyên Quang; sân Golf tại xã Tân Thanh và xã Hợp Hòa, Dự án Làng Văn hóa du lịch Tân Trào tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Nhà máy chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Công ty TNHH An Việt Phát Tuyên Quang, nhà máy viên gỗ nén của Công ty Công ty cổ phần EREX...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khởi công Dự án Flamingo Tân Trào.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 264 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, chiếm 67% tổng dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh. Trong đó, có 18 dự án của 15 nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, với vốn đăng ký trên 7.199 tỷ đồng tập trung chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực may mặc, sản xuất bao bì, gang thép, chế biến nông sản...

Tuyên Quang cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của một số nhà đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản...) đến khảo sát môi trường đầu tư tại tỉnh, như: Công ty cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại GO!; Công ty TNHH Leverages Career Việt Nam về lĩnh vực, dự án phát triển nguồn nhân lực du học sinh Nhật Bản; Công ty TNHH Niinuma Việt Nam nghiên cứu các dự án về năng lượng điện mặt trời; Công ty Delta E&C nghiên cứu triển khai 2 dự án: Khu du lịch sinh thái Na Hang và Nhà máy chế biến cam tại tỉnh; Công ty KIDO Hàn Quốc tìm hiểu, khảo sát môi trường kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương; Công ty ATCREATION (Hàn Quốc); Công ty NNP & Cellufab (Hàn Quốc) đến tìm hiểu cơ hội và khảo sát một số điểm tiềm năng để xây dựng sân golf và tổ hợp kinh doanh khu thương mại, vui chơi giải trí; Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) thực hiện dự án điện sinh khối công suất 100MW, dự án viên gỗ nén năng lượng công suất 650.000 tấn/năm…

Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất viên gỗ nén tại Khu công nghiệp Long Bình An, nhà máy điện sinh khối tại Cụm công nghiệp Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Sau 2 năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đề án Thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 30.000 tỷ đồng, đạt 60% mục tiêu Đề án đề ra. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 64 dự án với tổng vốn đăng ký trên 10.800 tỷ đồng; hoàn thành hồ sơ Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, vốn đầu tư 18.200 tỷ đồng trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kịp thời khơi thông dòng vốn

Cùng với  Đề án Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang. Trên cơ sở đó các hoạt động về thu hút đầu tư của tỉnh được tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc các dự án có chất lượng phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, các lĩnh vực được ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Cùng với đó UBND tỉnh cũng đã tổ chức thường xuyên các hội nghị để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra chỉ đạo các ngành chức năng và UBND cấp huyện tập trung tháo gỡ những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án.

Sản xuất chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.  

Tỉnh cũng thường xuyên tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả của các chính sách và năng lực của các cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh. Giai đoạn này, UBND tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch.

Bên cạnh những thời cơ, tỉnh đang phải cạnh tranh gay gắt với các tỉnh bạn về thu hút đầu tư từ việc hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, dịch vụ. Thêm vào đó, nguồn nhân lực cao, nhân lực có tay nghề, nhân lực qua đào tạo có tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được các dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến. Việc chuyển đổi số còn chậm, công tác xúc tiến đầu tư vẫn chưa đạt yêu cầu...

Để tiếp tục khơi dòng vốn đầu tư trong thời gian tới, Tuyên Quang đang nỗ lực triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp trong Đề án Thu hút đầu tư. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo về mâu thuẫn của các quy định pháp luật; tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí gắn cải cách hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chuyển đổi số; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước.

  Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục