Để phù hợp văn hóa, luật pháp
Vừa qua, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định không cho phép phổ biến bộ phim “Vị”, vì phim có cảnh khỏa thân kéo dài và trực diện, “không phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Quyết định được đưa ra sau khi Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện họp, đồng thời tham khảo, tư vấn ý kiến từ một số đại diện cơ quan văn hóa. Trước đó, phim “Vị” đã bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt 35 triệu đồng, vì tham dự Liên hoan Phim quốc tế Berlin 2021 khi chưa được cấp giấy phép phổ biến ở trong nước.
Một cảnh trong phim “Mắt biếc”, bộ phim được thực hiện đúng quy định về kiểm duyệt, thẩm định đã tạo dấu ấn khi tham dự các liên hoan phim quốc tế.
Trước phim “Vị”, phim “Ròm” cũng tham dự Liên hoan Phim quốc tế Busan - Hàn Quốc 2019 khi chưa được cấp phép phổ biến ở Việt Nam và bị phạt 40 triệu đồng. Sau đó, nhà sản xuất đã rút phim tham dự Liên hoan Phim quốc tế Busan.
Việc xử lý như trên là đúng quy định của pháp luật và đúng quy trình nhưng có một số ý kiến băn khoăn về cơ chế thẩm định, phân loại phim hiện nay chưa tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ đưa phim ra quốc tế, hay quan điểm thẩm định chưa phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Đạo diễn phim “Ròm” Trần Thanh Huy bày tỏ, mỗi phim phải mất từ 6 đến 8 tháng chờ đợi để có mặt ở vòng tranh giải chính thức tại các liên hoan phim quốc tế, nhiều khi phải có tên trong danh sách tranh giải, nhà sản xuất mới có kinh phí đầu tư hoàn thiện phim; trong khi, để được cấp phép phổ biến, phim phải làm hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, số phim vi phạm chỉ là thiểu số. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, Việt Nam tham gia gần 150 liên hoan phim quốc tế với 330 lượt tựa phim; tổ chức 48 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài, với 186 lượt tựa phim, hầu hết đều được cấp phép phổ biến trong nước, trước khi tham gia các sự kiện. Điển hình, phim “Cha cõng con”, sau khi được cấp phép phổ biến đã chiếu tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận được nhiều giải thưởng, như: Phim châu Á xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Iran lần thứ 36, Phim nước ngoài hay nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Arizona (Mỹ) lần thứ 26, Phim có cốt truyện hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Boston (Mỹ) lần thứ 15, Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Milano (Italia) lần thứ 17... Các phim thực hiện đúng quy định, như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Mắt biếc”… đều tạo được dấu ấn khi dự các liên hoan phim quốc tế, làm tốt việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam.
Kiểm duyệt, thẩm định phim trước khi phổ biến là cần thiết
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), trong đó, có nội dung được quan tâm là cấp phép phổ biến phim.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, điện ảnh là lĩnh vực lan tỏa rộng và nhanh; đặc biệt, phim truyện điện ảnh có ảnh hưởng lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của xã hội và là công cụ tuyên truyền tư tưởng mạnh mẽ. Vì vậy, phim truyện điện ảnh trong và ngoài nước cần được kiểm duyệt, thẩm định, phân loại trước khi phổ biến để tránh lọt những nội dung vi phạm về chính trị, tôn giáo hay có yếu tố kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, mê tín…
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, công tác thẩm định, phân loại phim hiện nay cần thay đổi, đứng trên góc độ vì sự phát triển và hội nhập của điện ảnh Việt ra thế giới, tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ, giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam, chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, nhằm đem đến đời sống tinh thần phong phú cho người dân. Các đơn vị, nhà sản xuất phim chỉ cần nhiều nhất 15 ngày cho việc được cấp phép, nên không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ phát hành hay tham dự các liên hoan phim quốc tế.
Ở góc độ người làm phim, nhà sản xuất, đạo diễn phim “Cha cõng con” Lương Đình Dũng cho rằng, việc kiểm duyệt, thẩm định, phân loại phim trước khi chiếu hay tham gia các liên hoan phim quốc tế là cần thiết. Người hoạt động điện ảnh phải cân nhắc, tính toán để thực hiện đúng quy định trước khi đưa tác phẩm vào đời sống. Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, trong quá trình cấp phép, cần tăng cường đối thoại giữa nhà sản xuất và người thẩm định để tạo sự gần gũi, thấu hiểu.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho biết, hiện Bộ đã thành lập 4 hội đồng thẩm định phim nhiệm kỳ 2021-2023 với nhiều đổi mới về thành phần, trong đó có những thành viên trẻ có trách nhiệm và hoạt động điện ảnh cởi mở. Ngoài ra, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được bổ sung nội dung tăng nặng hình thức răn đe những phim “vượt rào” tham dự các liên hoan phim quốc tế khi chưa được cấp phép phổ biến trong nước, hay bị đình chỉ, thu hồi giấy phép trong hoạt động điện ảnh… Tất cả nhằm bảo vệ hoạt động điện ảnh sáng tạo, lọc bỏ sản phẩm xấu độc, xây dựng nền điện ảnh Việt lành mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết