ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ngày 27/9, ADB công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2023 và cập nhật triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Báo cáo lưu ý rằng tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và sự gián đoạn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng là những yếu tố chính tác động tới nền kinh tế.
Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4/2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Các dự báo về lạm phát được điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023 và từ 4,2% xuống còn 4,0% cho năm 2024.
Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 và 2023 theo dự báo của ADB. (Nguồn: Tổng cục thống kê, ước tính của ADB)
Trước bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, ADB nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, môi trường bên ngoài yếu kém đã ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Những điểm sáng phục hồi kinh tế
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Trong nửa đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp chậm lại, thương mại giảm nhưng cầu trong nước đã dần phục hồi, được hỗ trợ bởi môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi.
Trong khi sản xuất công nghiệp của Việt Nam thu hẹp do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự “hồi sinh” của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan.
Lĩnh vực nông nghiệp duy trì được đà tăng mạnh, đạt 3,1% sau khi giá cả hàng hóa tăng, khuyến khích gia tăng các hoạt động nông nghiệp. Dự kiến nông nghiệp sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.
Về phía cầu, ADB nhận định, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm.
Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của 8 tháng đầu năm 2023 tăng 10,0% so với cùng kỳ
Do tiêu dùng nội địa tăng mạnh, dịch vụ tăng 6,3% và đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tổng mức tăng trưởng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,8 triệu lượt, cao gấp 5,4 lần so với 1 năm trước đó (bằng xấp xỉ 70% mức trước đại dịch Covid-19).
Theo ADB, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI cam kết tính tới tháng 8/2023 là 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỷ USD.
Những rủi ro chính với triển vọng tăng trưởng
Báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh những rủi ro đáng kể đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam thời gian tới, như chậm giải ngân vốn đầu tư công ở trong nước, hay tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu, cùng với đồng USD Mỹ mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài...
ADB cho rằng nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 8/2023 cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước.
Từ đó, ADB dự báo tăng trưởng xuất-nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức 5,0% trong năm nay và năm sau, với sự phục hồi của cầu thế giới. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, ước tính khoảng 3,0% GDP.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong thời gian trước mắt có thể đến từ sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn. Tuy nhiên, áp lực này có thể được hạn chế nhờ giá khí đốt và xăng dầu giảm trong nửa cuối năm, cùng với giá lương thực trong nước ổn định.
Trước tình hình đó, theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoàn toàn có khả năng phục hồi trong môi trường nhiều thách thức, với triển vọng vừa lạc quan xen lẫn thận trọng, do các yếu tố nội tại được cải thiện và những biện pháp chính sách chủ động.
Sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu. Trong ngắn hạn, ADB khuyến nghị cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng cần được phối hợp chặt chẽ với thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết