Chương trình 135: Thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số

- Hơn 20 năm thực hiện Chương trình 135, đến nay toàn tỉnh có trên 99% số xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm; 98% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 86,5% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; hàng chục nghìn hộ thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Sức sống tươi mới đang làm thay đổi những nơi khó khăn, tạo động lực tỉnh ta thực hiện mục tiêu phát triển khá, toàn diện, bền vững trong những năm tới.

Ưu tiên hạ tầng thiết yếu

Từ hợp phần hỗ trợ hạ tầng nông thôn Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã có 833 công trình được thực hiện với tổng số vốn hơn 432,5 tỷ đồng. Đây là “đòn bẩy” giúp các địa phương nâng cấp hạ tầng nông thôn nên sau khi được tiếp nhận vốn, UBND các huyện đã phân bổ chi tiết kinh phí và giao cho các xã trực tiếp làm chủ đầu tư. Cách làm này vừa giúp cơ sở chủ động lựa chọn công trình thiết yếu vừa phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ. Những hạng mục được đầu tư cải tạo đúng nguyện vọng của bà con nên việc triển khai xây dựng tương đối thuận lợi.

Đến hết năm 2020, huyện Lâm Bình còn 60 thôn của 8 xã vùng đặc biệt khó khăn (thôn vùng II, III) với hơn 5.611 hộ thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Là huyện vùng cao, đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống, thiếu cơ sở hạ tầng nông thôn. Trước thực trạng đó, huyện Lâm Bình đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn Chương trình 135, ưu tiên dự án trọng điểm. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện được đầu tư hơn 38,7 tỷ đồng xây dựng 71 công trình, trong đó có 26 công trình giao thông, 18 công trình thủy lợi, 6 công trình nhà văn hóa, 5 công trình nước sinh hoạt tập trung, 8 công trình kiên cố hóa kênh mương và 8 công trình khác.

Nguồn vốn 135 góp phần giúp xã Kim Quan (Yên Sơn) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Xã Xuân Lập là xã vùng đặc biệt khó của huyện Lâm Bình, từ nguồn vốn Chương trình 135 các công trình hạ tầng nông thôn dần được đầu tư xây dựng mang đến diện mạo mới cho xã. Nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, năm 2020 từ nguồn vốn Chương trình 135 xã được đầu tư hơn 1 tỷ đồng nối đường điện hạ thế 0,4 Kv dài 2.428 m vào khu vực Khuổi Quỳ, thôn Lũng Giềng; khu vực Nà Mỵ, thôn Nà Lòa; khu Khuổi Tráu, thôn Nà Co để lưới điện quốc gia vươn đến những bản xa nhất của xã. Ngoài ra, năm 2020 nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư 154 m đường giao thông thôn Nà Mỵ trị giá hơn 175 triệu đồng. Xã Xuân Lập hôm nay như đang thay “áo” mới. Xe chạy bon bon trên đường bê tông phẳng lỳ mang tên “đường 135”, lòng người phấn khởi, rộn ràng. Người dân Xuân Lập đang phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò sinh sản, chăn nuôi ếch, nuôi lợn đen… bắt đầu mang lại hiệu quả, cuộc sống có nhiều đổi thay.

Xã Kim Quan (Yên Sơn) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có sự trợ giúp không nhỏ từ nguồn vốn 135. Xã đang nỗ lực tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, từ nguồn vốn 135 giai đoạn 2016 - 2019 xã được đầu tư xây dựng 4 nhà văn hóa, qua đó giúp xã hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.

Hỗ trợ tạo sinh kế

Chương trình 135 không chỉ đầu tư hạ tầng cơ sở vùng đặc biệt khó khăn mà còn tạo sinh kế thông qua phát triển, nâng cao chất lượng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. 

Giai đoạn 2015 - 2019, từ nguồn vốn Chương trình 135 người dân thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) đẩy mạnh phát triển kinh tế từ cây chè, hàng chục ha chè được hỗ trợ vốn 135 đã phát huy hiệu quả. Giờ đây sản phẩm chè Pà Thẻn, xã Linh Phú đã trở thành sản phẩm đặc trưng được gắn sao chương trình OCOP. Hiện xã Linh Phú đã phát triển lên hơn 30 ha chè với năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Ông Tái Văn Cát, thôn Khuổi Hóp cho biết, đến nay, với trên 1ha chè đã cho thu hoạch, mỗi tháng thu hái được 2 lứa chè chính, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 150 triệu đồng. Ông Cát được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc chè, chất lượng chè được đảm bảo.

Đối với xã Trung Yên (Sơn Dương) nguồn vốn hỗ trợ sản xuất Chương trình 135 cũng tập trung cải tạo hơn 10 ha chè cành năng suất cao; đầu tư hỗ trợ hàng trăm máy móc, con giống... cho người dân. Mỗi năm xã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo. 

Gia đình bà Trần Thị Lơ, thôn Yên Thượng là một trong những hộ thoát nghèo bền vững nhờ mô hình trồng chè. Trước đây, cuộc sống khó khăn, thu nhập chỉ trông vào 5 sào đất đồi trồng sắn. Năm 2013, từ nguồn vốn của Chương trình 135, gia đình bà được hỗ trợ giống chè cành trồng trên đất đồi. Nhờ cần cù, chịu khó chăm sóc, đến nay 5 sào chè của gia đình đã cho thu nhập ổn định từ 50 - 60 triệu đồng. Nhờ có thu nhập từ cây chè, gia đình bà được công nhận thoát nghèo. 

Chương trình 135 mang lại hiệu quả thiết thực, diện mạo làng quê ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đổi thay từng ngày, đời sống người dân được cải thiện rõ nét, góp phần rút ngắn khoảng cách miền núi, vùng cao với miền xuôi.                         

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục