Giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã điều chỉnh giảm một loạt mức lãi suất điều hành. Giải pháp này được đánh giá là linh hoạt, phù hợp điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất giảm tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trước đó trong tháng 2/2023, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng.

Đến nay, mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,4%/năm.

Duy trì mặt bằng lãi suất huy động hợp lý

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5% đến 1% bắt đầu từ ngày 15/3, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động để tạo tiền đề, cơ sở hạ lãi suất cho vay.

Cụ thể ngay trong ngày 15/3, trên biểu lãi suất huy động của Vietcombank, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức 4,9%/năm; 3 tháng là 5,4%/năm; 6 tháng và 9 tháng là 5,8%/năm. Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất ở mức 7,2%/năm. Agribank cũng áp dụng lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy là 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng; 5,8%/năm cho kỳ hạn từ 6-11 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tại VietinBank, tiền gửi tại quầy có lãi suất cao nhất là 7,2%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,9-5,4%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,8%/năm. Trong khi đó, BIDV huy động tiền gửi tại quầy với mức lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3 và 5 tháng; 5,8%/năm kỳ hạn 6 tháng; 5,9%/năm kỳ hạn 9 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên…

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.

Giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. "Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect nhìn nhận, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh thực hiện giảm lãi suất điều hành trong hai năm gần đây, đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng của lãi suất.

Về ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại, nhóm phân tích VNDirect cho rằng, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều chỉnh lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi mà áp lực tỷ giá vẫn còn cao. Tuy nhiên, VNDirect kỳ vọng việc hạ lãi suất điều hành lần này sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý tới khi trong hai tháng đầu năm tín dụng chỉ đạt mức tăng trưởng 0,77%.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cũng đánh giá việc giảm lãi suất là động thái khá mạnh dạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh xu hướng lãi suất toàn cầu còn tăng nhẹ, áp lực lạm phát trong nước vẫn còn. "Động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đạt mục tiêu đề ra", Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.

Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, xóa bỏ các rào cản pháp luật, quy trình thủ tục hành chính, nhất là với một số lĩnh vực tác động lớn như đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu. Bản thân các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro, qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục