Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Liên minh HTX Việt Nam.
Tham dự có hơn 300 đại biểu gồm: Tham tán thương mại các nước Anh, Trung Quốc, Nga,… cùng các HTX sản xuất trái cây trong nước và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây trong nước và nước ngoài.
Theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, tỷ trọng sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản chủ lực khác do các HTX sản xuất so với tổng sản lượng của các địa phương và cả nước chiếm khoảng 25% đến 75%, trong đó trái cây chiếm 55%.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cũng cho thấy, nhập khẩu hàng rau quả của thế giới quý I/2021 đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với quý I/2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới.
Đây là cơ hội để các HTX đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.
“Những điều đó cho thấy, cơ hội đang rộng mở để đưa trái cây Việt Nam ra với thị trường thế giới và Hội nghị hôm nay sẽ góp phần giúp các HTX sản xuất trái cây Việt Nam tiếp cận và dần đưa cơ hội thành hiện thực’ - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.
Hiện nay, trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng bên cạnh những ưu thế, sản phẩm trái cây của các HTX vẫn tồn tại hạn chế.
Chia sẻ của Tham tán Thương mại Việt Nam tại LB Nga Dương Hoàng Minh cho thấy, Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang Nga tăng nhanh, nhưng phần lớn vẫn còn chiếm thị phần khiêm tốn trên thị trường Nga. Có nhiều nguyên nhân làm trái cây Việt Nam chưa cạnh tranh cao trên thị trường nước ngoài, trong đó phải kể đến như: chất lượng, kích cỡ trái cây chưa đồng đều; công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí vận tải cao…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm chia sẻ và cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận và kết nối cung cầu, hỗ trợ thúc đẩy khu vực HTX tiếp cận các thị trường để tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam.
Đây cũng là cầu nối cho các HTX sản xuất trái cây và các sản phẩm từ trái cây có cơ hội được mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt được thông tin chính xác và nhanh nhất về các thị trường xuất khẩu tiềm năng, gặp gỡ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước, vừa duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, vừa đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới như Tây Á, Nam Á, để từ đó có định hướng cho các HTX từ khâu sản xuất nhằm đảm bảo quy cách về sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã huy động các nguồn lực hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường. Hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối người sản xuất là các HTX với các nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và 19 tỉnh, thành phố phía nam. Qua đó, đã kết nối tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản của thành viên trong thời gian ngắn, góp phần giảm tình trạng ứ đọng, giảm giá trị nông sản.
Tại Hội nghị, các HTX sản xuất trái cây đã ký biên bản ghi nhớ với các công ty xuất nhập khẩu quốc tế nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiêu thụ nông sản.
Gửi phản hồi
In bài viết