Lâm Bình phát triển kinh tế tập thể: Những khó khăn cần giải quyết

- Kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Đến nay, mô hình kinh tế tập thể ở huyện Lâm Bình cơ bản đã có nhiều đổi mới, phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển HTX tại Lâm Bình còn nhiều khó khăn cần giải quyết.

Trên địa bàn huyện Lâm Bình hiện có 31 HTX đã chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và 1 tổ hợp tác. Số vốn điều lệ đăng ký của các HTX và tổ hợp tác là trên 14,2 tỷ đồng. Tổng số thành viên trong các HTX khoảng 300 người, số lao động trong HTX là hơn 200 người. Nhìn chung bước đầu các HTX hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân.

HTX Toàn Dũng thành lập mới năm 2018 với 7 thành viên với ngành nghề kinh doanh chính chăn nuôi với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Năm 2019, HTX vay 700 triệu đồng vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển HTX từ Nghị quyết 05 HĐND tỉnh để liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Hiện mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường từ 60 - 80 con trâu thương phẩm, thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Thành viên HTX Toàn Dũng, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

Theo ông Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình, từ năm 2020 đến nay đã có 7 HTX thành lập mới. Trong đó từ năm 2019 đến nay có 4 HTX được hỗ trợ tiếp cận vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông lâm nghiệp theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND, ngày 13-7-2016 của HĐND tỉnh với tổng số vốn gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Chung, phát triển kinh tế tập thể ở Lâm Bình còn khó khăn do quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều, chưa tạo được sự liên kết bền vững. Doanh thu bình quân trong năm của các HTX còn thấp; hoạt động của nhiều HTX thiếu vững chắc; vốn tự có hạn chế; số lượng và chất lượng lao động chưa cao; chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất mà chủ yếu quản lý từ nguồn thủy lợi phí và cung ứng một số vật tư nông lâm nghiệp theo mùa vụ. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, khả năng tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh khó khăn, năng suất lao động và thu nhập của thành viên thấp…

Qua rà soát chỉ có 2 hợp tác xã doanh thu bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm là HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình và HTX Quang Minh, còn lại đa số các HTX hoạt động trung bình. Về cơ bản, các HTX làm dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi đảm bảo cung cấp cho xã viên các dịch vụ phục vụ sản xuất đúng thời vụ, đúng quy trình kỹ thuật. Một HTX được lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình, dự án. Điển hình như HTX Quang Minh, thôn Bản Luông, xã Hồng Quang, thành lập đầu năm 2019, ban đầu HTX Quang Minh sản xuất các sản phẩm từ cá khô đóng gói nhưng do thị trường không ổn định nên HTX chuyển đổi sang liên kết sơ chế lá giang xuất khẩu. Anh Đàm Văn Biểu, Giám đốc HTX Quang Minh cho biết, năm 2020 từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, HTX được hỗ trợ 3 tỷ đồng mở rộng xưởng sơ chế lá giang. Hiện mỗi ngày HTX thu mua và sơ chế từ 20 - 30 tấn lá giang tươi, tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại xưởng và nhiều người dân trong vùng với mức thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế tập thể trong thời gian tới, huyện Lâm Bình tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển; củng cố, khắc phục những yếu kém của các HTX, tạo điều kiện cho các HTX phát triển. UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể về thuế, tín dụng, đất đai... tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.   

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục