Phát huy lợi thế cây bản địa

- Với hệ sinh thái đa dạng, tỉnh ta có nhiều loại cây trồng bản địa quý hiếm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Hiệu quả kinh tế cao

Xã Sơn Phú dẫn đầu huyện Na Hang về diện tích rừng trồng các giống cây bản địa như xoan, tre, vầu. Đồng chí Triệu Tiến Phin, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết, toàn xã có gần 2.000 ha xoan và trên 1.000 ha tre, vầu. Trước đây, người dân đã đưa một số loại cây lâm nghiệp khác về trồng tại địa phương, tuy nhiên không hiệu quả. Khoảng 10 năm trở lại đây người dân phát triển các cây lâm nghiệp bản địa. Theo đồng chí Phin, việc phát triển trồng cây bản địa mang lại nhiều lợi ích như tạo ra ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng trong cộng đồng, góp phần duy trì và phát huy nguồn giống cây quý của địa phương. Ngoài ra, những sản phẩm phụ như măng tre, măng vầu cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Đối với cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn, bồ đề... có năng suất cao, tuy nhiên thổ nhưỡng mỗi vùng khác nhau nên phát triển cây bản địa được nhiều địa phương khuyến khích. Theo rà soát huyện Chiêm Hóa có hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp có điều kiện thổ nhưỡng không hợp với trồng keo, tập trung nhiều ở các xã Tri Phú, Kim Bình, Vinh Quang... UBND các xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng keo không hiệu quả sang trồng cây bản địa.

Huyện Lâm Bình trồng hơn 250 cây lim xẹt tại điểm du lịch thác Khuổi Nhi.

Xã Tri Phú có 400 ha đất đồi không phù hợp với cây keo. Cây keo trồng tại đây chỉ khoảng 2 - 3 năm sinh bệnh và chết. Người dân chuyển đổi sang trồng lát với hơn 220 ha lát. Ngoài cây lát, người dân xã Tri Phú trồng cây tre Chinh làm nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành nghề. Măng tre Chinh là loại thực phẩm sạch được thị trường ưa chuộng. Ban đầu tre Chinh được trồng nhiều ở thôn Bản Tát, do hiệu quả kinh tế cao nên loại cây này được người dân  trồng nhân rộng làm hàng hóa với tổng diện tích toàn xã gần 200 ha.

Đồng chí Triệu Phúc Phương, Bí thư Đảng ủy xã Tri Phú cho biết, làm măng khô đã trở thành nghề đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân trong xã. Thời gian tới, để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời để sản phẩm măng khô có thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài, xã đã đưa sản phẩm măng tre Chinh khô tham gia Chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân.

Hướng tới phát triển du lịch sinh thái

Bảo vệ và phát triển vốn rừng, trong đó có cây bản địa góp phần hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn. Khí hậu trong lành, tỉnh ta trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Trên địa bàn các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... những cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt với những cây gỗ quý như đinh, lim, nghiến, bách xanh… tạo nên cảnh quan tươi đẹp thu hút khách tham quan.

Với mong muốn tạo cảnh quan cây xanh, góp phần cải thiện cảnh quan thiên nhiên, cũng như tạo ấn tượng cho du khách mỗi khi tới điểm du lịch thác Khuổi Nhi, huyện Lâm Bình vừa trồng hơn 1 ha cây lim xẹt. Ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, lim xẹt là giống cây quý nằm trong nhóm II, phân bố chủ yếu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, ngoài giá trị về lâm nghiệp, lim xẹt có hoa vàng, nở thành chùm rất đẹp thích hợp trồng tập trung tại các khu điểm du lịch.

Cây bản địa mang lại hiệu quả về nhiều mặt, mới đây UBND huyện Na Hang giao Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành khảo sát, vẽ tuyến nghiên cứu mở loại hình du lịch trải nghiệm. Hạt trưởng Kiểm lâm Na Hang Ma Thanh Khiết cho biết, hiện huyện đã có hướng mở tua du lịch cho du khách tham quan những quần thể nghiến cổ thụ tại khu vực Giàn Tre, Đường Gòng thuộc Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng; quần thể nghiến cổ thụ tại khu rừng Khau Tép, Pá Lịa thuộc thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh; quần thể nghiến thuộc thôn Bản Bung, xã Thanh Tương. Nghiến được coi là cây bản địa riêng có đang được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học trong phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Từ hiệu quả về nhiều mặt mà cây bản địa mang lại, tỉnh đang chú trọng khôi phục các diện tích rừng nghèo kiệt bằng những rừng cây bản địa; đồng thời, trồng thêm cây bản địa trên diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Khuyến khích người dân chuyển đổi rừng sản xuất sang trồng các giống cây bản địa ở những nơi không phù hợp trồng cây keo. Qua đó, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh cũng như tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái.                                                

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục