Phát huy nguồn lực đất đai - Bài cuối: Hài hòa lợi ích, khơi thông nguồn lực đất đai

- Một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW là việc đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân với Nhà nước, nhà đầu tư khi có quyết định thu hồi đất phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, kinh nghiệm trong công tác vận động người dân khi triển khai thực hiện các dự án ở Tuyên Quang thời gian gần đây chính là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân. Phương châm của tỉnh khi tiến hành giải phóng mặt bằng lấy đất làm dự án là người dân phải có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Bài 1: Quyền sử dụng không phải là quyền sở hữu

Bài 2: Không bỏ phí “đất vàng”

Không để người dân thiệt thòi

Thời điểm này, Tuyên Quang đang triển khai một loạt các công trình, dự án lớn, như dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Yên Sơn, các dự án phát triển du lịch, xây dựng đô thị, khu dân cư... Trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, Tuyên Quang xác định, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Áp dụng quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau thu hồi đất, đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở mới không thấp hơn nơi ở cũ.

Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Yên Sơn đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 20 công trình với tổng diện tích trên 22 ha, liên quan đến gần 500 hộ gia đình. Đồng thời, huyện đã và đang tiến hành giải phóng mặt bằng 39 công trình, với tổng diện tích gần 500 ha. Trong đó, nhà nước bố trí tái định cư 184 hộ/19 công trình, hiện đang tiếp tục thẩm định và phê duyệt 20 công trình nữa. Đồng chí Đinh Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn huyện đã triển khai rất nhiều công trình, dự án phải thu hồi đất, đảm bảo đúng kế hoạch, giải quyết đúng chính sách bồi thường và tái định cư cho người bị thu hồi đất. Theo đúng quan điểm chỉ đạo của tỉnh, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất thu hồi phục vụ các công trình, dự án lớn trên địa bàn huyện được thực hiện theo mục tiêu: Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Mặt bằng khu tái định cư km 12 thuộc tổ dân phố Trầm Ân, thị trấn Yên Sơn giờ đã san sát nhà với hệ thống đường giao thông, điện, nước và các công trình phụ trợ... hoàn thiện. 

Vợ chồng ông bà Trần Thị Tỉnh, Đặng Văn Ý giờ vẫn không tin ở những ngày tháng tuổi già này, mình được sống ở đây. Vợ chồng ông bà trước ở Tổ dân phố Đồng Chằm, khi Nhà nước thu hồi toàn bộ đất để mở rộng Trung tâm dạy nghề Yên Sơn. Được bố trí đất tái định cư tại Km12, cùng với số tiền đền bù, vợ chồng ông bà xây được ngôi nhà khang trang. Nơi ở mới nhộn nhịp, bà Tỉnh mở một cửa hàng nho nhỏ để có thêm thu nhập. Hạ tầng đồng bộ, gần trung tâm thị trấn, gần trung tâm huyện, việc đi lại dễ dàng, con cái đi lại thăm nom cũng thuận lợi hơn. Ông Ý cười bảo cuộc sống bây giờ cứ như mơ vậy, nhiều lúc còn không dám tin đến cuối đời lại có cuộc sống ổn định như bây giờ.

Khu tái định cư K12 thuộc tổ dân phố Trầm Ân, thị trấn Yên Sơn đồng bộ hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu tái định cư của người dân.  

Gia đình ông Hoàng Xuân Liêm được bố trí tái định cư khi tỉnh có quyết định xây dựng Nghĩa trang Thiên Đường tại xã Lang Quán. Rời nhà ra nơi ở mới, ông cũng học thêm nhiều nghề mới mà trước đây, ở Lang Quán không có điều kiện để làm, đó là kinh doanh. Sẵn mặt bằng, vị trí thuận lợi, gia đình ông mở dịch vụ giặt chăn ga đối đệm, đồng thời mở thêm đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ông Liêm bảo, cuộc sống ở nơi ở mới quả thực tốt hơn gấp nhiều lần nơi ở cũ.

Đồng chí Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Sơn cho biết, khi các hộ tái định cư có nhu cầu làm nhà ở, thị trấn hỗ trợ các thủ tục xin cấp phép xây dựng, đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tuyên truyền các chính sách liên quan để người dân hiểu và yên tâm tại nơi ở mới.

Thành phố Tuyên Quang cũng là địa phương đang triển khai nhiều công trình, dự án cần bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn. Với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân với Nhà nước, nhà đầu tư khi thu hồi đất, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, ủng hộ các chương trình được thành phố thực hiện nghiêm túc. Việc bồi thường và bố trí nơi ở mới khi thu hồi đất cũng được lấy ý kiến đồng loạt để tất cả hiểu và đồng thuận.

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) - nơi có 13 hộ dân đã nhường đất, giải phóng mặt bằng thi công công trình đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đấu nối với đường cao tốc Nội 
Bài - Lào Cai cho biết, hầu hết người dân khi được tuyên truyền đều rất ủng hộ. Đến thời điểm này, mặt bằng đã bàn giao, việc ổn định nơi ở mới cho người dân đã cơ bản được hoàn thành.

Gia đình ông Trần Xuân Lập là một trong 13 hộ dân nhanh chóng bàn giao đất cho đơn vị thi công và thực hiện tái định cư tại chỗ. Ông Lập cho biết, thành phố bố trí đất tái định cư cho gia đình tại khu vực thôn 4, nhưng vì muốn ổn định cuộc sống tại chỗ, ông quyết định mua đất và xây dựng nhà ở mới tại thôn. Số tiền bồi thường cơ bản giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.

Một góc thành phố Tuyên Quang.  Ảnh: Hoàng Thảo

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về đất đai

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong dự thảo xây dựng Chương trình hành động mà sở tham mưu xây dựng thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trung ương, ngoài việc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân khi thu hồi đất, thì việc hoàn thiện các chính sách về đất đai đang được ngành phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện, đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  

Đến thời điểm này, Tuyên Quang đã hoàn thành phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2021 - 2025; triển khai lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện, thành phố giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật. Đồng thời bố trí nguồn lực thực hiện đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nhất là tại các xã thuộc khu vực phát triển đô thị và diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp trả lại địa phương quản lý.

Ngành tài nguyên và môi trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện, thành phố đã được phê duyệt, đảm bảo giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhất là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất tại các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa đảm bảo theo đúng quy định. Đơn vị tăng cường quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, giá đất, nhất là các khu vực có tiềm năng phát triển dự án bất động sản; kiểm soát chặt chẽ thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện, ngành Tài nguyên và môi trường tiếp tục rà soát bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục có liên quan đến quyền của người sử dụng đất... Kịp thời rà soát, cập nhật, đơn giản hóa, công bố, công khai minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai tại cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung xây dựng chính quyền số, ngành tài nguyên và môi trường cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Qua đó, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục