Sản phẩm OCOP vẫn khó đầu ra

- Sau 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh ta hiện có 128 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Trong đó, có 33 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, dù có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đạt chứng nhận 3 - 4 sao nhưng việc nâng cao giá trị và tiêu thụ vẫn gặp không ít khó khăn.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày, giới thiệu tại Chương trình cấp quốc gia
về xúc tiến thương mại năm 2022 tổ chức tại TP Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, đơn vị hiện có 3 sản phẩm cá bỗng, cá chiên, cá quất được công nhận OCOP 3 sao. Đầu năm 2022 HTX xuất bán cá thương phẩm, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 các quán ăn, cửa hàng đóng cửa, hơn chục tấn cá không có đầu ra. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, anh phải bán sản phẩm với giá thấp hơn thị trường, đồng thời giảm quy mô chăn nuôi chỉ bằng 2/3 so với mọi năm. Mong muốn của anh là sản phẩm cá bỗng, chiên, quất được kết nối, tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị trong và ngoại tỉnh, được các trường học, nhà hàng, khách sạn chọn lựa làm thực phẩm, từ đó có đầu ra ổn định hơn.

Là 1 trong 2 sản phẩm của xã Minh Thanh (Sơn Dương) được phân hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, song sản phẩm chè Thanh Trà của Tổ hợp tác chè thôn Cảy vẫn gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm đầu ra. Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè cho biết, tổ hợp tác chè có 7 thành viên trồng 7 ha chè đặc sản. Để được gắn sao, đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, quy trình sản xuất khá công phu và tốn kém. Từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói… đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất chè VietGAP. Sản phẩm chè Thanh Trà mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP, song thị trường vẫn rất hạn chế. Đầu ra chủ yếu vẫn do các thành viên Tổ hợp tác tự xoay xở, liên hệ, kết nối, bán lẻ trên thị trường tự do là chính.

Tương tự, dù đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao nhưng sản phẩm mật ong Tân Trào của Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào (Sơn Dương) vẫn không thoát khỏi cảnh bí đầu ra. Năm 2021, sản phẩm mật ong Tân Trào đạt chuẩn OCOP 3 sao. Kỳ vọng của anh Triệu Tiến Sinh, Giám đốc HTX là sau khi được gắn sao OCOP thì sẽ mở ra hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm mật ong, nhưng hiện mật ong của hợp tác xã vẫn chỉ bán nhỏ lẻ ở địa phương và các điểm bán hàng cho khách du lịch với số lượng hạn chế. Vụ mật ong từ tháng 3 đến tháng 6 vừa qua, HTX thu hoạch được hơn 2.000 lít mật, đến nay số mật tiêu thụ được chỉ đạt hơn 200 lít.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là điểm nhấn nổi bật gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sức bật quan trọng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương tiến lên sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị. Hiện tỉnh ta đã có 128 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng số lượng sản phẩm tìm được chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu không nhiều. Vì vậy, việc phát triển, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn…

Sản phẩm chè Thanh Trà đạt 3 sao OCOP của Tổ hợp tác chè thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương).

Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do một số sản phẩm OCOP sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, số lượng sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, rất ít dấu ấn của công nghiệp chế biến và công nghệ cao. Ở khía cạnh khác, hầu hết các sản phẩm OCOP sinh ra từ làng, là thành quả lao động của nông dân. Vì thế, họ chưa hiểu nhiều về cách thức quảng bá hay maketing. Vì vậy, người nông dân phải “tự bơi” trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm... Cùng đó, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Thực tế, muốn mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, tạo nhận diện sản phẩm từ logo, slogan, bao bì, nhãn mác, kiểu dáng và chất lượng... thì việc liên kết, kết nối thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố theo hướng chuyên nghiệp sẽ tạo hiệu ứng tiếp thị, sức lan tỏa thương hiệu tốt hơn trên quy mô rộng. Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đi vào các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử đặc biệt là các trang mạng xã hội như zalo, facebook.

Cùng với đó, sở tổ chức các hoạt động hội chợ OCOP trên địa bàn tỉnh để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đưa các sản phẩm OCOP đến trưng bày, triển lãm tại hội chợ để tuyên truyền cho nhân dân trong tỉnh cũng như cả nước thấy được chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm OCOP thì các chủ thể cần duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó yếu tố quyết định để đầu ra của sản phẩm OCOP không còn là “bài toán” khó.         

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục