Thu hút đầu tư tạo nguồn lực cho phát triển

- Tuyên Quang đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 206 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 32.204 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã triển khai các dự án tại tỉnh như Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn DABACO... Tuy nhiên, thu hút đầu tư của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp chiến lược trong giai đoạn tới để huy động thêm nguồn lực phục vụ sự phát triển trong giai đoạn mới, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.


Tập đoàn VinGroup đang đầu tư khu nghỉ dưỡng tầm cỡ tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm
(TP Tuyên Quang), phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Ảnh: Nam thành

Thường trực Tỉnh ủy đã họp và cho ý kiến vào Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư; tập trung thu hút đầu tư các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, tỉnh quan tâm các dự án có quy mô lớn, vừa để khắc phục tình trạng các dự án nhỏ lẻ của giai đoạn trước đây không phát huy hiệu quả; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý rác thải đô thị, khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng định hướng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nhưng phải đặt mục tiêu hàng đầu là phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp có quy mô, công nghệ hiện đại. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ như sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị tự động hóa; công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất như luyện kim, lắp ráp các bảng mạch điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, thiết bị và phụ tùng ô tô, xe máy; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản tập trung.

Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào (Sơn Dương), Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); Khu danh lam, thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến như chè, mía, cam, cây dược liệu và gỗ rừng trồng...

Công ty cổ phần Hồ Toản (Yên Sơn) được tỉnh thu hút đầu tư, góp phần tạo việc làm
 cho người lao động địa phương.

Cùng với định hướng lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư, tỉnh cũng lựa chọn đối tác tìm kiếm, xúc tiến đầu tư là những đối tác có năng lực tài chính, có bề dày kinh nghiệm trong nước và các nhà đầu tư đến từ các nước EU, Mỹ, Brazil, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ đầu tư các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang và các khu, điểm, địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 45 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư, tận tình trách nhiệm với các nhà đầu tư; triển khai thực hiện nghiêm túc các quy hoạch ngành, lĩnh vực; hệ thống hóa các cơ chế, chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã ban hành để kịp thời ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, minh bạch trong các dịch vụ công, tiếp cận đất đai để các nhà đầu tư triển khai dự án hiệu quả.

Thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các khâu đột phá là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Do đó, xác định mục tiêu, ngành nghề, đối tác thu hút đầu tư là rất cần thiết, phù hợp với tình hình mới, bảo đảm triển khai các dự án có tính lâu dài, bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục