Vươn tới thương hiệu Quốc gia

- Tuyên Quang có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, chiếm trên 23% sản lượng khai thác của toàn vùng. Với lợi thế này, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật.

Thương hiệu đến từ chất lượng

Sản phẩm bột giấy và giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận Thương hiệu Quốc gia năm 2022. Hiện nay, An Hòa là nhà máy duy nhất tại Việt Nam có sản phẩm bột giấy tẩy trắng thương phẩm và cũng là sản phẩm bột giấy duy nhất của Việt Nam có mặt trên thị trường quốc tế.

Sản phẩm giấy có 3 loại chính: giấy in, giấy viết, giấy photocopy được sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến nhập khẩu từ các nước châu Âu. Giấy được sản xuất, phân loại theo các chức năng sử dụng rất rõ ràng với chất lượng hàng đầu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của đơn vị nhập khẩu. Hiện, công ty đang phát triển dòng sản phẩm mới là giấy phôi băng dính, giấy in nhiệt dùng để in các loại hóa đơn thanh toán điện tử. Công ty đang xuất khẩu sang thị  trường hơn 10 nước, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt trên 5,5 triệu USD/năm (tương đương khoảng 1.400 tỷ đồng), nộp ngân sách Nhà nước từ 120 đến 140 tỷ đồng/năm.

Sản phẩm giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa Nguyễn Văn Anh chia sẻ, không chỉ nỗ lực sản xuất kinh doanh, công ty còn bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động và thực hiện tốt an sinh xã hội. Hết năm 2022, bình quân thu nhập của người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, công ty tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh trị giá 1 tỷ đồng.

Chinh phục thị trường thế giới

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 8 doanh nghiệp lớn, công suất chế biến từ 20 - 130 nghìn m3/năm.

Là doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và Tập đoàn AIKEA - tập đoàn đồ gỗ nội thất hàng đầu châu Âu, yêu cầu bắt buộc đối với nguyên liệu sản xuất của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang là phải chứng nhận được nguồn gốc sản phẩm. Để làm được điều này, công ty đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cấp chứng chỉ rừng FSC cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, với diện tích  18.017 ha rừng trồng. Hiện công ty đã có 4 nhà máy đang hoạt động với số vốn trên 500 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, 4 nhà máy cần 13 nghìn m3 gỗ nguyên liệu.

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết: Theo đánh giá của các bạn hàng, chất lượng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của công ty đã vượt xa các nước có sản phẩm gỗ xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á và đứng vào tốp đầu của thế giới. Phản hồi của bạn hàng là động lực để công ty yên tâm gắn kết đầu tư, nỗ lực xây dựng thương hiệu gỗ FSC mang tên Tuyên Quang.

Sản xuất gỗ xuất khẩu của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Công ty TNHH Thuận Gia Thành, cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) những ngày cuối năm 2022 không khí sản xuất tấp nập. Bà Sùng Thị Mới, Giám đốc Công ty cho biết: nhờ các chính sách hỗ trợ trồng rừng của Tuyên Quang, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị được đảm bảo, công ty cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất. Bắt đầu hoạt động từ năm 2018 sản xuất ván ép bọc phim công nghiệp cao cấp xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, sản lượng đạt từ 10 nghìn m3 đến 12 nghìn m3/năm, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động. 

Bên cạnh những sản phẩm đã có, hiện tỉnh đang tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư chế biến, sản xuất các sản phẩm mới từ gỗ rừng trồng như gỗ viên nén, đồ nội thất xuất khẩu. Tập đoàn An Việt Phát đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ nhất Đông Nam Á về sản xuất gỗ viên nén đang  xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Long Bình An với quy mô 14 ha, vốn đầu tư dự kiến đầu tư 1.300 tỷ đồng.

Ông Trần Hoàng Ân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn An Việt Phát cho biết: Tập đoàn quyết định đầu tư tại tỉnh Tuyên Quang vì tỉnh có diện tích rừng trồng lớn, gỗ rừng trồng đạt chất lượng, môi trường đầu tư thông thoáng. Cùng với xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm gỗ, tập đoàn đang tập trung khảo sát địa điểm xây dựng Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 600 ha với 3 phân khu, gồm: khu sản xuất phôi, cây giống, rừng trồng thử nghiệm, Trung tâm giới thiệu sản phẩm và  Trường đào tạo nghề.  

Với chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến sâu, tạo ra sản phẩm gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu, từng bước tạo lập thương hiệu cho ngành chế biến gỗ Tuyên Quang, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống cho người lao động và người dân trồng rừng. Mùa xuân đã về, tiết xuân ấm áp làm xanh thêm những cánh rừng. Ở đó là mạch sống.

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục