Yên Sơn tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Những ngày này, trên địa bàn huyện Yên Sơn, nhiều công trình hạ tầng cơ sở thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai xây dựng với tiến độ khẩn trương nhằm đảm bảo kịp tiến độ. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình.

Chúng tôi đến thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận khi anh Tướng Văn Đên, dân tộc Dao cùng với đội công nhân chặt và vận chuyển gỗ trên diện tích đất rừng sản xuất của gia đình mà tuyến đường đi qua nhằm giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công san lấp mặt bằng. Anh Đên hồ hởi: “Bê tông hóa tuyến đường này là chủ trương quá hợp lòng dân rồi. Từ cuối năm 2022, ngay sau khi được thôn triển khai, vận động, chúng tôi tự nguyện hiến đất. Hiện nay, tôi đã bán “non” được trên 20 m3 gỗ keo 3 năm tuổi để giải phóng mặt bằng làm đường. Dự kiến 5 năm nữa, sản lượng gỗ này sẽ tăng gấp đôi nhưng tôi không tiếc vì so với lợi ích kinh tế của cả khu dân cư, của thôn thì nó không có giá trị gì”.

Anh Tướng Văn Đên (đứng giữa), thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận (Yên Sơn) hiến 1.500 m đất và tự giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình đường giao thông của Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Trưởng thôn Đồng Bài Đặng Văn Thắng cho biết, tuyến đường đất rộng 2,5 m, đi vào nơi ở của trên 30 hộ dân và hàng chục ha đất sản xuất. Cứng hóa tuyến đường là mơ ước từ lâu của thôn, của người dân nơi đây giờ mới thành hiện thực. Theo thiết kế, tuyến đường có trị giá đầu tư gần 1,2 tỷ đồng; dài 597 m, mặt đường rộng 3,5 m, dày 0,16 m, mỗi bên lề đường rộng 0,75 m. Dự kiến trong tháng 4, tuyến đường đưa vào sử dụng. Nhằm đảm bảo yêu cầu đề ra, thôn vận động 4 hộ có tuyến đường đi qua mở rộng nền đường rộng 6 m. Cho đến nay, các hộ tự giải phóng mặt bằng, hiến trên 2.500 m2 đất. Trong đó, hộ gia đình anh Đên hiến nhiều nhất với 1.500 m2.

Không hiến diện tích đất để làm đường nhiều như anh Đên và các hộ thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận; cụ Lý Thị Tấm, dân tộc Dao, thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh chỉ hiến khoảng 60 m2 đất ruộng song diện tích ít ỏi đó đã góp phần hoàn thành công trình cầu tràn liên hợp nối 2 khu dân cư. Công trình có trị giá 600 triệu đồng đã được bàn giao, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2023.
Đứng trên cầu tràn kiên cố, cụ Tấm không giấu được niềm vui: “Tôi cứ mong mỏi mãi có cầu bắc qua để con cháu mình không phải lội suối đi học, để người dân trong thôn không phải lội suối vào khu sản xuất, để cả khu dân cư 10 hộ dân không bị cô lập mỗi khi nước lũ dâng cao… Cuối cùng, cầu đã thành hiện thực ở cái tuổi tôi đã gần đất xa trời. Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều tiền để làm cầu cho đồng bào mình, mình hiến có chút đất sản xuất có đáng gì”.

Công trình cầu tràn liên hợp tại thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay, huyện Yên Sơn đang triển khai xây dựng 9 công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu thiết yếu của đồng bào gồm: điện sinh hoạt, nước sạch, cầu giao thông nông thôn, đường liên thôn, nâng cấp trường lớp học, sân thể thao. Các địa phương được hưởng lợi là các xã: Lực Hành, Xuân Vân, Tiến Bộ, Trung Trực, Hùng Lợi, Tân Long, Tứ Quận, Phú Thịnh; nguồn vốn đầu tư trên 11,2 tỷ đồng.

Công trình Cầu qua suối Cây Sung thôn Quân, xã Hùng Lợi đang được triển khai xây dựng.

Bà Trần Thị Bình Phước, Trưởng  Phòng Dân tộc huyện cho biết, 100% các công trình được triển khai xây dựng theo hướng dẫn của Điều 33 Thông tư 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc ban hành. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp huyện chỉ đạo tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng dự án, công trình mà người dân có nhu cầu cấp thiết, thôn đặc biệt khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương của các xã có công trình xây dựng đã tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng không đền bù nhằm đảm bảo tiến độ. Phát huy dân chủ trong triển khai xây dựng công trình, dự án, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của xã, thôn và nhân dân tập trung giám sát tiến độ, chất lượng công trình.       

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục