Tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Bắc Âu

Thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chủ yếu tập trung vào thị trường Tây Âu truyền thống; trong khi lại chưa khai thác được tiềm năng lớn từ các nước Bắc Âu.

 

Thủy sản mặt hàng tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu. (Ảnh QUỐC TUẤN)

Năm 2021, các nước Bắc Âu nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD mặt hàng nông sản, trong đó rau củ quả là 4,8 tỷ USD; trà, cà-phê, gia vị là 1,2 tỷ USD; ngũ cốc là 503 triệu USD. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam còn khá nhỏ, cụ thể: nhập khẩu rau củ quả đạt 24,2 triệu USD, trong đó hạt điều chiếm 21,7 triệu USD; trà, cà-phê, gia vị là 12 triệu USD.

Thị trường chất lượng cao

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), khu vực Bắc Âu tuy dân số ít (khoảng 25 triệu dân) nhưng đây lại bao gồm những quốc gia có mức thu nhập cao. Trong năm 2021, 4 trong số 5 nước Bắc Âu nằm trong top 10 quốc gia có mức thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu nhiều nhất trong khu vực ASEAN, nhưng thị phần chiếm rất ít, chưa đến 1%.

Nguyên nhân một phần là do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Bắc Âu tương đối xa cho nên cước vận chuyển cao, đẩy giá thành lên cao khiến sản phẩm nông sản có sức cạnh tranh thấp. Mặt khác, Bắc Âu là khu vực đòi hỏi cao không chỉ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đi đầu trong xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất bền vững cho nên việc xuất khẩu nông sản vào các thị trường này cũng không hề dễ dàng.

Theo khảo sát, ba quốc gia Bắc Âu, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đều nằm trong tốp 10 quốc gia tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tính trên đầu người cao nhất thế giới năm 2019. Đứng đầu thế giới là Đan Mạch với 344 EUR/người, Thụy Điển đứng thứ 5 với 215 EUR/người và Na Uy đứng thứ 10 với 83 EUR/người. Cụ thể, Đan Mạch có thị phần thực phẩm hữu cơ cao nhất thế giới và thị trường hữu cơ phát triển tốt nhất.

Mới đây, Đan Mạch đã đưa ra kế hoạch chuyển đổi sang các bữa ăn hữu cơ, thân thiện với môi trường và lành mạnh hơn trong các bếp ăn công cộng. Kế hoạch bao gồm các mục tiêu rất cụ thể, như: 90% thực phẩm hữu cơ trong các bếp ăn công cộng; chính sách mua sắm công đổi mới, bền vững với yêu cầu thực phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường; hợp tác chuỗi cung ứng để đưa nông dân và các công ty lại với nhau để bảo đảm cung cấp thực phẩm hữu cơ...

Tại Thụy Điển, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, tác động môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đây là một trong những yếu tố quyết định việc mua sản phẩm của họ. Trong khuôn khổ chiến lược lương thực quốc gia, Chính phủ Thụy Điển đã đặt mục tiêu vào năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất nông nghiệp và 60% tiêu dùng thực phẩm công cộng phải là hữu cơ.

“Nhu cầu đối với thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng tại các nước Bắc Âu. Những sản phẩm mà Bắc Âu có nhu cầu nhập khẩu là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như hoa quả nhiệt đới, rau quả, các loại ngũ cốc, chè, cà-phê... Do vậy, thực phẩm hữu cơ dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội thương mại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam”-Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh.

Các sản phẩm trái cây hữu cơ hiện rất thu hút người tiêu dùng các nước khu vực Bắc Âu. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Tận dụng cơ hội từ EVFTA

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam, một trong những thách thức khi xuất khẩu vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng là thuế nhập khẩu cao khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, chi phí, thời gian, cước vận chuyển cũng là những khó khăn lớn cho các nhà xuất khẩu khi so sánh với các nhà cung ứng trong EU.

Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang đến nhiều lợi thế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam khi hầu hết thuế nhập khẩu các loại rau quả, hạt... được xóa bỏ về 0% hoặc giảm dần theo lộ trình. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tận dụng lợi thế này để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Âu. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần DannyGreen Trần Phong Lan cho biết: Với các lợi thế từ EVFTA, doanh nghiệp đang tập trung mở hướng phát triển sản phẩm trái cây hữu cơ sang thị trường Bắc Âu.

Hiện sản phẩm dưa lưới của Danny Green đã đạt chứng nhận GAP Nhật Bản, chứng nhận hữu cơ USDA của Mỹ và chuẩn bị nhận chứng nhận của châu Âu. Công ty cũng đã có diện tích đất khoảng 120ha tại Ninh Thuận và hơn 15ha hệ thống nhà màng, đủ điều kiện phục vụ sản xuất trái cây hữu cơ xuất khẩu. Tuy nhiên Bắc Âu là thị trường không dễ thâm nhập đối với các nhà phân phối mới, cho nên công ty rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và thương vụ Việt Nam tại các nước Bắc Âu.

Trước vấn đề tiếp cận thị trường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết: Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tìm kiếm khách hàng. Thí dụ đối với thị trường Thụy Điển, sau cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19, nhiều nhà sản xuất thực phẩm đã mất đi khách hàng do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy Cơ quan Organic Thụy Điển đã xây dựng một cổng thông tin giúp các công ty tìm kiếm các kênh bán hàng mới, gọi là Eko-Portalen.

Mục đích của cổng thông tin này là thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và nguyên liệu hữu cơ bằng cách kết nối các nhà sản xuất với người mua tiềm năng. Do đó, các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thực phẩm hữu cơ có thể vào cổng này để tìm hiểu. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tích cực tham gia các hội chợ triển lãm để có cái nhìn sâu sắc về thị trường nước ngoài, xu hướng sản phẩm và sự cạnh tranh. Một số hội chợ triển lãm thực phẩm hữu cơ tại Bắc Âu, như: Foodexpo tại Đan Mạch diễn ra vào tháng 3 hằng năm; Nordic Organic food fair tại Thụy Điển diễn ra vào tháng 11 hằng năm...

Bên cạnh đó, do người tiêu dùng Bắc Âu rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường nên một yếu tố nhỏ nhưng vô cùng quan trọng là doanh nghiệp cần cải tiến bao bì sản phẩm và nhãn mác. Người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm có bao bì tự nhiên, làm từ vật liệu tái chế và không gây tổn hại đến môi trường. Theo đó, bao bì và nhãn mác cần hướng tới các tiêu chuẩn cao và bền vững, như: giảm khối lượng và thể tích bao bì; giảm lượng chất thải đến bãi chôn lấp thông qua khả năng tái chế, khả năng tái sử dụng hoặc khả năng phân hủy; giảm ảnh hưởng môi trường bằng cách sử dụng tài nguyên bền vững và giảm phát thải...

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục