Cảng Đình Vũ. Ảnh: TRẦN HẢI
Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Một điểm đáng chú ý là vốn FDI tăng mạnh cả về số dự án, tổng vốn đăng ký và thu hút được dự án quy mô lớn, mở ra kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024 cũng như năm tiếp theo.
Tình hình giải ngân của các dự án FDI tích cực, cho thấy cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là thực chất. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI hai tháng đầu năm tăng mạnh so cùng kỳ và so với tháng trước với mức xuất siêu 8,9 tỷ USD (không kể dầu thô), bù đắp cho nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cán cân thương mại duy trì thặng dư khoảng 4,63 tỷ USD.
Những con số này cho thấy đà phục hồi và tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng mạnh mẽ hơn và được duy trì liên tục kể từ tháng 7/2023 đến nay.
Có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư khắp năm châu, được nhà đầu tư coi là “quê hương thứ hai” của mình. Đó là sự ổn định chính trị, an ninh và kinh tế vĩ mô; là kết quả từ hoạt động ngoại giao cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các đoàn ngoại giao cấp cao của các nước đến Việt Nam trong năm 2023; là cơ hội hợp tác đầu tư lớn khi nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và triển vọng tích cực trong những năm tới…
Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ, các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm, tiếp cận và xúc tiến cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Trong xu thế này, Chính phủ xác định ba đột phá để thu hút các nhà đầu tư, giữ chân tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới. Đó là tập trung cải thiện hạ tầng và đất đai; tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư và cải cách thể chế.
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, dự kiến trong quý I/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Hiện tiến độ xây dựng Đề án đang được đẩy nhanh nhằm sớm đạt mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại cũng như công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất khi tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu đào tạo được 50 nghìn kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Để nền kinh tế tăng trưởng đạt mức kỳ vọng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng cũ bên cạnh việc khai phá, tận dụng các động lực tăng trưởng mới đến từ việc phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành công nghiệp mới. Trong bối cảnh đó, việc có các giải pháp đột phá để giữ chân tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… là bước đi quan trọng để dòng vốn ngoại đóng góp hiệu quả vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết