Lâm Bình thức dậy tiềm năng núi rừng

- Chuyến đi mong đợi đến với huyện miền núi vùng cao Lâm Bình của tôi có nhiều thứ thật ngẫu nhiên, thật tình cờ nhưng lại giống như đã có một sự sắp đặt. 

Buổi tối hôm đến huyện, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ khi được biết lần đầu tiên, huyện tổ chức khai trương “Phố đi bộ và Chợ đêm huyện Lâm Bình”.

Thác Khuổi Nhi. Ảnh: Bách Hoàng.

Tôi đã gặp trên phố đi bộ và chợ đêm hôm ấy những gương mặt trẻ trung náo nức của đồng bào các dân tộc từ các xã trong huyện đổ về đây. Dẫu đến từ các bản làng xa hay gần thì họ cũng đều đem về đây các loại sản vật độc đáo, đặc sắc để góp cho phiên chợ đêm mang đậm dấu ấn của một vùng miền núi cao giàu bản sắc. Sự đặc sắc của làng bản quê mình, sự đặc sắc của dân tộc mình không chỉ hiển hiện ở những bộ sắc phục đặc trưng của người dân tộc  Tày, người Dao, người Pà Thẻn, người Mông… mà còn ở sự đa dạng và phong phú của những sản vật từ núi đồi nương rẫy.

Lượn quanh các gian hàng bày la liệt đủ các loại đặc sản mang rõ màu sắc các vùng miền trong huyện, du khách có thể thưởng thức ngay tại chỗ bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc, bánh gai gấc, hay những món quà quê mang đậm đặc trưng của vùng cao như mật ong, hoa tam thất, các loại cây cỏ làm thuốc hay món ăn dân dã. Du khách muốn có chút quà quê mang về xuôi cũng không thiếu những thứ mà chỉ nhìn ngắm thôi cũng đã cảm nhận được hương sắc núi rừng.

Nhà báo Hà Linh, đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Tuyên Quang nhớ lại quãng thời gian là phóng viên đã từng đến nơi này. Đó là những ký ức về một miền “thâm sơn cùng cốc” nghèo và buồn. Nay, chị dẫn chúng tôi đi một vòng suốt chiều dài của trục đường chính phố huyện với một vẻ tự hào như đang đi trên chính quê mình. Trục đường đôi trông giống như bất cứ con đường hiện đại nào ở thành phố sáng trong ánh đèn đường và nhấp nháy đèn trang trí, rộn ràng trong không khí lễ hội bằng tiếng nhạc, tiếng hát náo nhiệt.

Những hạt mưa bụi rắc trong ánh đèn đêm lất phất đã không cản được bước chân của những du khách yêu thích khám phá những vùng đất, khám phá những vùng đặc trưng khác biệt đang trong bước chuyển mình hòa với nhịp sống phát triển của thời đại công nghệ, kỹ thuật và lối sống mới gần gũi với thị trường. 

Cô Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đang bận rộn với công việc đón tiếp hơn một trăm sinh viên khoa Du lịch của Trường Đại học Văn hóa đã dành ít phút trò chuyện cùng tôi:

- Đoàn sinh viên Khoa Du lịch của Trường Đại học văn hóa đi thực tế về đây vừa được giới thiệu để tìm hiểu thực tế một lễ “Nhảy lửa” của người Pà Thẻn. 

- Đoàn đông thế thì liệu có chỗ ở cho các em không? Rồi ăn uống thế nào? Tôi hỏi.

Cô cười, nụ cười hiền hậu của một cô giáo người Tày có trách nhiệm: 

- Anh đừng lo, hiện nay, ở trung tâm du lịch huyện và khu du lịch lòng hồ hiện đã có hơn 30 gia đình tổ chức được dịch vụ “Homestay”. Tiềm năng dịch vụ du lịch của huyện thì nhiều, nhưng trước mắt là khuyến khích việc xây dựng và phát triển mô hình Nhà nghỉ du lịch cộng đồng, thường gọi là “Homestay”. Theo mô hình này, có thể đón khoảng trên dưới một ngàn du khách đến ăn nghỉ cùng một lúc với giá cả phải chăng. Có loại giá dịch vụ dành cho sinh viên và cho các du khách có nhu cầu ăn ở với những mức dịch vụ cao hơn, chất lượng theo yêu cầu…

Du khách thích thú với những sản phẩm được bán tại phố đi bộ Lâm Bình. Ảnh: Ngọc Mai.

Nói chuyện với anh Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, tôi thêm hiểu về những trăn trở cho phát triển du lịch cộng đồng của những người lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Bí thư Huyện ủy thuộc lớp người trẻ, trưởng thành từ công tác Đoàn và đã từng gắn bó với vùng đất này nhiều năm. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh luôn nói về những đường hướng, những dự định và mong muốn phải làm sao để đánh thức vùng đất giàu tiềm năng du lịch này. Những bước đi của từng giai đoạn đã được nghị quyết Đại hôi Đảng bộ tỉnh và huyện chỉ rõ, vấn đề còn lại là phải thực hiện và chỉ đạo sát sao để đúng hướng và phát triển bền vững.

Anh Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy là người Tày đã có nhiều năm gắn bó với vùng đất này. Sinh ra và lớn lên từ bản làng nơi đây, anh hiểu từng bản làng, từng nơi xa gần ở vùng đất này. Điều quan trọng nữa là anh cho rằng sự phát triển của quê hương Lâm Bình chính là từ sự đoàn kết của anh em các dân tộc cùng chung sống và khai thác vùng đất giàu tiềm năng này.

Tôi đã dừng lại rất lâu để hỏi chuyện các em sinh viên trường Đại học Văn hóa. Các em đến từ các vùng miền khác nhau. Đi chơi chợ đêm và dạo chơi phố đi bộ trong một đêm mưa mà vẫn không giấu nổi sự háo hức.

Khoe với tôi một món đồ thủ công có khắc dấu ấn Lâm Bình, em Trần Văn Minh, sinh viên năm thứ ba, quê ở Nam Định tâm sự rằng: lần đầu tiên xem một lễ hội nhảy lửa để hiểu hơn về tập tục văn hóa của người Pà thẻn. Rồi em đã kể cho tôi nghe về sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của một sinh viên miền biển đến với núi rừng. 

Em tâm sự: Quê em miền biển Giao Thủy cũng đã nhiều năm băn khoăn, trăn trở phải làm gì để thoát nghèo? Phải làm gì để thu hút khách du lịch. Em tin rằng, với cách làm đúng, những đồng bào dân tộc ở đây nhất định sẽ thành công.

Hôm đến Thượng Lâm, tôi đã ngỡ ngàng khi nhìn những dãy núi đá giăng thành chuỗi trùng điệp. Hình ảnh làm tôi liên tưởng đến những Rừng đá Thạch Lâm ở Trung Quốc mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch. 

Tôi ước có một ngày, 99 ngọn núi với truyền thuyết huyền ảo về những chú chim phượng hoàng chọn nơi đất lành nơi đây sẽ trở thành một khu du lịch trên cao, hút khách lên ngắm những đỉnh trời “Rừng đá” Lâm Bình. 

Nếu biết khai thác, chắc nơi này cũng chẳng thua kém những di tích, danh lam trên thế giới. Lúc đó, du khách vẫn có thể thưởng ngoạn tiên cảnh mà chẳng cần phải đi đâu quá xa…

Chuyến du thuyền trên hồ thủy điện Na Hang đã để lại nhiều cảm xúc trong mỗi du khách. Nhà báo Trịnh Thanh Hoa đến từ  Hà Nội nói rằng: Lần thứ hai trở lại đây, chị vẫn thấy sự hấp dẫn đến mê người của những vẻ đẹp từ đá núi. Ngắm những vách núi đá với muôn vàn hoa vân như những bức tranh thủy mặc, lại nghĩ đến bàn tay của mẹ thiên nhiên sao mà sáng tạo kỳ diệu đến huyền ảo. Thật là tiên cảnh có một không hai. Còn TS. báo chí Lê Thanh Xuân cũng đến từ Hà Nội lần đầu thăm thác Khuổi Nhi cứ xuýt xoa về vẻ đẹp của thác và ấn tượng với cảm xúc đứng dưới dòng nước mát lạnh của thác cho cá mát-xa chân.
Lúc xuống bến thuyền, chúng tôi tình cờ gặp anh Đạt, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện. Trong cuộc trao đổi chớp nhoáng, tôi hỏi anh: 

- Đã có doanh nghiệp nào nhòm ngó và có ý định đầu tư khai thác du lịch lòng hồ ở đây chưa anh?
Anh cho biết: 

- Chủ trương của huyện là sẽ không bê tông hóa mà phải giữ được cảnh quan thiên nhiên môi trường. Nguồn tài nguyên thiên nhiên cần phải được gìn giữ để khai thác lâu dài… 

Ai từng đi đó đây đến những thành phố hiện đại hoặc từng sống trong những rừng bê tông ngột ngạt sẽ hiểu và biết quý giá trị của thiên nhiên nơi đây. Tôi tin rằng những chủ trương đúng đắn đó sẽ giữ cho một Lâm Bình nguyên sơ thêm cuốn hút du khách về đây trong tương lai.


Du khách say sưa trước vẻ đẹp non nước Lâm Bình.  Ảnh: Hà Linh.

Tôi cũng gặp ở đây Phó Giáo sư, Tiến sỹ Báo chí truyền thông Đỗ Thị Thu Hằng, hiện là Viện trưởng Viện Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hỏi về cảm nghĩ khi du thuyền thăm thác Khuổi Nhi, ăn bữa cơm bản trên thuyền du lịch, với món cá hồ nướng, xôi ngũ sắc, măng rừng…, chị trầm ngâm suy nghĩ rồi cho biết:

- Tôi từng đi nhiều nơi trên thế giới và thường hay có ý ngầm so sánh với nơi đây. Năm 2012, chúng tôi đã đến tham quan du lịch tại Hồ thủy điện Hoover Dam ở bang Arizona nước Mỹ và tận mắt thấy họ tổ chức khai thác những chuyến du lịch thăm thủy điện Hoover. Họ đã biết kết  hợp nhiều gói du lịch cho du khách lựa chọn. Dù biết so sánh là khập khiễng và mỗi nơi một vẻ, nhưng vẫn thấy có những nét tương đồng khi cùng nhìn về môi trường, thiên nhiên của cảnh quan này. Nếu biết khai thác thì Lâm Bình hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng, rất cần phải có một bàn tay tổ chức, thiết kế biết nhìn xa trông rộng hơn nữa… Nhìn ra thế giới để biết mình đang ở đâu và có hướng phát triển tốt nhất cho tương lai.

Khi nghĩ và viết đôi điều về Lâm Bình, tôi biết đây cũng chỉ là cảm nhận nhất thời của một người khách thoáng qua với những cảm xúc chớp nhoáng. Ngủ một đêm phố huyện, tôi cảm nhận được thêm những giá trị của thiên nhiên nơi này với sức khỏe con người trong từng hơi thở. 

Với một tình yêu Lâm Bình, tôi có thể đã ít nhiều cảm nhận được đôi điều mới mẻ về một vùng đất đang đổi thay. Tôi cũng hiểu rằng, với lát cắt thời gian của một hai ngày cuối tuần thì chưa thể cảm nhận được hết những giá trị bền vững của một vùng đất đang trên đà phát triển. 

Nhưng với nhà báo Mai Đức Thông, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang thì lại khác. Anh từng là Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa giai đoạn bắt đầu thành lập huyện Lâm Bình nên anh hiểu rõ và trong suốt chuyến đi, anh luôn chỉ dẫn cho tôi những sự đổi thay kỳ diệu của một vùng “thâm sơn cùng cốc” này. Anh nhớ lại những ngày đầu lập huyện, Huyện ủy và UBND huyện Chiêm Hóa, Na Hang đã chi viện, hỗ trợ cho Lâm Bình thế nào. Ngày ấy, cán bộ huyện mới phải ở trọ nhà dân bản. Ngày ấy, những con đường đèo thử thách người dân và cán bộ. Ngày ấy, những dãy nhà cấp 4 lợp tôn dành cho các cơ quan huyện. Ngày ấy…  khó khăn chồng chất khó khăn. Mười năm chưa phải dài nhưng đủ thời gian để thử thách lòng kiên trì và những định hướng  phát triển đúng đắn đã bước đầu thay da đổi thịt vùng quê nghèo này. 

Những điều tâm huyết của nhà báo, Tổng Biên tập Mai Đức Thông có lẽ đã truyền sang tôi khiến tôi không thể không viết những dòng cảm nhận này với một niềm tin tưởng vô hạn về một miền núi rừng đang thức dậy.

Buổi sáng tinh mơ thức dậy ở phố huyện Lâm Bình, trong tiếng chim hót tôi lắng nghe tiếng loa vọng vào vách núi, bài hát quê hương như mời gọi du khách, mời gọi những nhà đầu tư, những người yêu quê về đây xây dựng một Lâm Bình đang trên đà khởi sắc…

Ghi chép: Nguyễn Ngọc Oanh

Tin cùng chuyên mục