Luân chuyển để rèn luyện cán bộ

- Công tác luân chuyển cán bộ, nhất là từ huyện về cơ sở thời gian qua được các địa phương tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Thông qua đó tạo hiệu quả giúp tăng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, phát huy trí tuệ từ môi trường thực tiễn. Đồng thời xây dựng được đội ngũ cán bộ gần dân, gắn bó với nhân dân hơn.

Rèn luyện cán bộ

Chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đang được các huyện trên địa bàn tỉnh triển khai ở cấp xã. Đến nay, có trên 2/3 số xã có bí thư cấp ủy không phải người địa phương.

Huyện Lâm Bình là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện hoàn thành mục tiêu 100% bí thư cấp ủy tại các đảng bộ xã không phải là người địa phương. Trong đó có 6 xã thực hiện luân chuyển ngang bí thư giữa các xã, còn lại 4 xã được điều động cán bộ nguồn từ các phòng, ban của huyện. Trên thực tế, chủ trương này đã được huyện triển khai ngay từ nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến nay đã có nhiều đợt luân chuyển cán bộ, trong đó có hàng chục lượt cán bộ từ các phòng, ban của huyện xuống các xã.

Các đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND (đứng giữa) xã Trung Yên (Sơn Dương) là cán bộ không phải người địa phương.

Năm 2019, đồng chí Triệu Tiến Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện được điều động đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, sau đó được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Minh đã nhanh chóng tiếp cận với công việc mới. BCH Đảng bộ xã ban hành riêng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây trồng vật nuôi, giảm nghèo bền vững. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế mới như trồng lúa đặc sản, nuôi trâu nhốt chuồng, nuôi dê, cá chép ruộng, nuôi dúi... được nhân dân trong xã triển khai hiệu quả đem lại thu nhập cho người dân. Đặc biệt trong năm 2022 xã thực hiện xóa 51 nhà dột nát cho hộ nghèo. Trên cơ sở các giải pháp giảm nghèo, xã phấn đấu mỗi năm giảm 5% hộ nghèo trở lên. Từ một xã khó khăn, nay cuộc sống người dân Xuân Lập ngày một “thay da, đổi thịt”. Nhân dân xã Xuân Lập đã biết phát triển hàng hóa theo hướng tập trung, liên kết; thu nhập bình quân đầu người khoảng 20 triệu đồng/người/năm; đời sống tinh thần của nhân dân được quan tâm...

Tương tự như vậy, huyện Na Hang từ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay cũng đã thực hiện nhiều đợt luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã. Một số cán bộ sau khi được thử thách ở xã lại được quy hoạch để trở thành lãnh đạo các phòng, ban của huyện. Thời điểm hiện tại, huyện Na Hang đã có 11/12 xã thị trấn đã luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương, trong đó có 6 đồng chí cán bộ huyện được điều động chức danh Bí thư Đảng ủy xã. Những đồng chí cán bộ huyện được điều động xuống xã đều là những xã vùng khó hoặc các xã mục tiêu hoàn thành nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Đồng chí Hoàng Quang Tuyên, Phó Bí Thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, đây là chủ trương hết sức đúng đắn của tỉnh. Các đồng chí được luân chuyển công tác đều phát huy năng lực, sở trường hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, được đánh giá rất cao. Căn cứ vào đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn những cán bộ quy hoạch; xem xét các mặt trình độ, năng lực, sở trường của mỗi cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương để sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp. Mục tiêu từ nay đến cuối nhiệm kỳ huyện phấn đấu 100% chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND là cán bộ được điều động, luân chuyển không phải người địa phương.

Khắc phục bất cập

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt không phải là người địa phương đã từng bước khắc phục được các hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Về cơ bản, công tác này đã đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm quy trình, đúng đối tượng, phạm vi theo phân cấp quản lý cán bộ  ở các địa phương. Các địa bàn được bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã có sự tiến bộ rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới, bảo đảm giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị.

Tháng 3-2019, đồng chí Dương Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thiện Kế (Sơn Dương) nhận quyết định luân chuyển về đảm trách chức vụ Bí thư Đảng ủy Sơn Nam. Đồng chí Thành đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ đưa xã Sơn Nam nhanh chóng trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021; phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại V. Để đạt mục tiêu đó, xã Sơn Nam phải thực hiện việc quy hoạch phát triển đô thị, giải phóng mặt bằng xây dựng khu dân cư trung tâm.

Đồng chí Dương Chí Thành đã phát huy năng lực tranh thủ quy tụ được sức mạnh của tập thể cán bộ, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, đội ngũ cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân trong xã. Từ đó đưa ra được các chủ trương đảm bảo phù hợp với thực tiễn và phát huy được thế mạnh của địa phương, đặc biệt là được nhân dân đồng thuận ủng hộ trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Kết quả đạt được là minh chứng sự đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Sơn Nam và không thể phủ nhận vai trò của đồng chí đứng đầu cấp ủy.

Đồng chí Đỗ Xuân Phúc, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức  - Nội vụ huyện Sơn Dương cho biết: Sơn Dương đã thực hiện được 21/31 xã trên địa bàn huyện bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Khi được luân chuyển về các cơ sở mới, do không phải là người địa phương nên cán bộ lãnh đạo thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao không bị ràng buộc, không bị chi phối, không bị áp lực bởi các mối quan hệ thân tộc, bằng hữu; giải quyết công việc bảo đảm tính dân chủ, khách quan và công bằng. Trong quá trình điều hành, xử lý công việc tránh được tình trạng cục bộ khép kín, bè phái, quan liêu, trì trệ, bảo thủ, cảm tình, nể nang, né tránh; giải quyết công việc nhanh hơn, đặc biệt là giải quyết các vụ, việc tồn đọng, kéo dài.

Việc luân chuyển cán bộ từ nơi khác về giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy, các địa phương bước đầu đã tạo nên đột phá trong công tác cán bộ, mang lại những luồng gió mới cho cơ sở, tạo được sự đồng thuận, tăng niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng được đổi mới rõ rệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền, không để tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo. Những cán bộ qua quá trình luân chuyển đó đều khẳng định được mình bằng năng lực, uy tín. Đó là yếu tố bền vững nhất để các đồng chí Bí thư cấp ủy dù không phải là người địa phương nhưng vẫn bồi đắp niềm tin nơi tập thể cán bộ, đảng viên và thu được những “lá phiếu tín nhiệm” từ đảng viên, quần chúng nhân dân.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục