Chị bảo, trong giỏ ấy có chục bộ quần áo dân tộc Dao đỏ. Ngoài ra có phụ kiện bán rời như khăn đội đầu, yếm, dây lưng, quả bông len. Với chị, mỗi buổi chợ có khi chỉ bán được cái khăn, cái yếm, thỉnh thoảng bán được 1 bộ quần áo, nhưng chị vẫn thấy vui. Vui vì số người đến gian hàng của chị khá đông. Vui nữa là người mua lại chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao đỏ, chứng tỏ trang phục vẫn được bà con gìn giữ và mặc hàng ngày.
Khách hàng chọn mua quần áo dân tộc tại gian hàng của chị Tâm.
Chị cũng thế, khi đi chợ hay dịp lễ, Tết, chị mặc bộ quần áo mới hơn, còn trong sinh hoạt hàng ngày, lên nương, làm rẫy chỉ mặc bộ quần áo cũ. Chị chia sẻ, để làm bộ quần áo này khá cầu kỳ, mất rất nhiều thời gian, nhanh thì 6 tháng, 1 năm, thậm chí 2 năm. Trước khi lấy chồng, chị dành cả một năm để thêu trang phục cô dâu. Bởi trang phục này đòi hỏi yếu tố thẩm mỹ cao. Bộ trang phục cưới của cô gái Dao đỏ gồm áo dài được may kiểu xẻ ngực, không có cúc và khuy, gấu áo được may dài chấm đầu gối, tay áo rộng. Áo thường được mặc cùng một chiếc yếm có màu sắc tươi sáng, thân áo được trang trí nhiều hoa văn màu sắc rực rỡ. Quần ống rộng được trang trí các ô vuông nhiều màu.
Đặc biệt, màu sắc và các họa tiết hoa văn trên trang phục người Dao đỏ đều mang ý nghĩa tâm linh. Người Dao đỏ dùng 5 gam màu chính là đỏ, xanh, vàng, trắng, đen trong đó màu đỏ là chủ đạo. Bởi theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống.
Hoa văn trang trí chiếc áo tập trung ở viền nẹp ngực, tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết trang trí hình dấu chân hổ, hình răng cưa, quả trám, thập ngoặc và hình hoa cúc... Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống no đủ, gia đình khỏe mạnh. Cầu kỳ hơn cả là công đoạn thêu quần và khăn. Nếu hoa văn ở quần chủ yếu là hình vuông, hình chữ nhật, hình cây thông, hình chữ vạn... thì khăn đội đầu thêu các họa tiết trang trí hình tam giác, hình quả trám mô phỏng chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Qua đó, mong muốn mùa màng bội thu, cơm gạo đủ đầy.
Chị Tâm giới thiệu về họa tiết hoa văn trên chiếc khăn đội đầu.
Theo chị Tâm, trước đây để hoàn thiện bộ trang phục, phụ nữ Dao phải chuẩn bị công phu. Từ việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa văn, chạm bạc họa tiết yếm, vòng cổ... Nay, người Dao đỏ đã lược đi những công đoạn như nuôi tằm, nhuộm vải bởi mọi thứ đều có thể mua. Chính vì thế mà phụ nữ Dao có thời gian tập trung vào những họa tiết thêu. Các bộ trang phục vì thế theo thời gian ngày càng tinh xảo hơn.
Chị vui mừng khoe, hiện nay phụ nữ người Dao hầu hết vẫn biết thêu trang phục truyền thống. Hơn nữa, trang phục này giờ còn có thể trở thành quà lưu niệm cho khách du lịch. Đó chính là yếu tố quan trọng góp phần để trang phục truyền thống của người Dao đỏ được lưu giữ mãi.
Gửi phản hồi
In bài viết