Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 - năm 2024 vinh danh nhiều nghệ sĩ trẻ với tư duy sáng tạo mới.
Gần 150 tác phẩm gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật hình ảnh và các hình thức nghệ thuật đương đại khác đã được tuyển chọn từ 121 tác giả trên cả nước, trong độ tuổi từ 18 đến 35.
Từ 1.050 tác phẩm tham dự - số lượng kỷ lục từ trước đến nay, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn trao 29 giải thưởng.
Festival Mỹ thuật trẻ được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức định kỳ hai năm một lần để tìm kiếm, giới thiệu, tôn vinh những tác giả và tác phẩm mới, trẻ trung, cá tính.
Năm nay, Ban tổ chức không đưa ra đề tài sáng tác cố định; khuyến khích nội dung về đời sống đương đại và các hình thức, khuynh hướng, ý tưởng, phong cách, bút pháp sáng tạo độc đáo. Từ 1.050 tác phẩm tham dự - số lượng kỷ lục từ trước đến nay, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn trao 29 giải thưởng.
Sự kiện Lễ trao giải và khai mạc triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan cũng như giới họa sĩ, thiết kế và các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật nhiều lứa tuổi, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn dành cho mỹ thuật đương đại.
Các tác phẩm năm nay được đánh giá là "mới" và "trẻ" hơn hẳn mùa trước, phản ánh sinh động đời sống văn hóa và tinh thần của con người trong thời đại mới.
Họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: "Những người trẻ năng động, tự tin đã nỗ lực tìm kiếm cho mình các hình thức nghệ thuật ở mọi chất liệu, kiểu dáng, chủ đề, cách thể hiện. Ðiều đó cho thấy đây là thời điểm chuyển giao thế hệ. Các nghệ sĩ 8x, 9x và thậm chí trẻ hơn nữa đã bắt đầu quyết liệt nhập cuộc, sống đời sống đương đại để tìm nguồn cảm xúc, tìm tiếng nói để khắc họa câu chuyện của thời đại mình".
Tại triển lãm, người xem dễ bắt gặp những tác phẩm truyền tải vấn đề quen thuộc của xã hội hiện đại theo ngôn ngữ của nghệ thuật. Ðó là nỗi cô đơn và cô lập giữa ma trận thông tin và công nghệ, những hoang mang của tuổi trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, có cả nỗi suy tư khi con người mất kết nối với nhau và với thiên nhiên...
Sự phong phú, phá cách của chất liệu cũng là một điểm sáng, với nhiều tác phẩm điêu khắc, sắp đặt làm từ vải jean, kim loại, nhựa tổng hợp… được các nghệ sĩ trẻ xử lý khéo léo.
Tuy vậy, ba tác phẩm đoạt giải cao nhất lại là những tác phẩm khá giản dị về hình thức. Chẳng hạn tác phẩm giải Nhất thể loại hội họa là bức sơn dầu "Mẹ tôi" của họa sĩ Vàng Hải Hưng (sinh năm 1995). Tác giả người dân tộc Giáy quê ở Lào Cai vẽ "mẹ" nhưng không có hình ảnh con người trong tranh, mà thể hiện qua chiếc xe đạp cũ kỹ, nón lá rách sờn, con đường đất nâu khô cằn…
Vàng Hải Hưng cho biết, mình chọn phong cách vẽ ý niệm, mang tính ẩn dụ nhưng không phải lúc nào cũng cụ thể cho một thông điệp, qua đó khuyến khích trí tưởng tượng của người xem và cho phép họ tạo nên những câu chuyện của riêng mình.
Tương tự, hai tác phẩm giải Nhất khác là "Suốt" (thể loại sắp đặt) của tác giả Phạm Thùy Dương và "Sau cơn mưa" (thể loại đồ họa) của Bùi Thị Yến Vy cũng cho thấy sức sáng tạo và khơi gợi vượt qua giới hạn của các chất liệu truyền thống.
Một số tác phẩm nổi bật và thu hút khán giả quan tâm bởi cả nội dung lẫn hình thức biểu đạt, có thể kể đến "Cơn bão trong đêm" (giải Ba) của Cấn Văn Ân, với câu chuyện về cứu hộ cứu nạn trong đám cháy thảm khốc tại Hà Nội năm qua.
Tác giả tạo hình trên một cánh cửa nhôm, ngoài mầu vẽ còn có dây điện và các mẩu kim loại nhỏ để tạo hiệu ứng đặc biệt. Hay như tác phẩm "Mùa cá" (giải Nhì) của tác giả Lê Công Vương được tạo nên từ vải jean tái chế, với sắc độ đậm nhạt được phối rất nhuần nhuyễn và những chiếc khuy bằng kim loại trở thành con mắt lấp lánh của bầy cá trong lưới... Các loại hình như sắp đặt, trình diễn, video art cũng phong phú hơn mọi năm, thể hiện xu hướng phát triển mạnh mẽ và sự nhập cuộc của đội ngũ họa sĩ, điêu khắc gia, nhà thiết kế đồ họa.
Tác phẩm sắp đặt "Ngàn năm soi bóng" (giải Nhì) của tác giả Nguyễn Tuấn Dũng được đánh giá cao với hình ảnh, câu chuyện từ truyền thống, mang đậm bản sắc Việt Nam nói chung và dấu ấn Thăng Long-Hà Nội nói riêng. Tác giả cho biết, khi muốn đưa hình ảnh di tích, di sản vào tác phẩm, gốm là chất liệu ưu tiên hàng đầu.
Nghệ sĩ trẻ chế tác các mảnh gốm thể hiện dấu tích nhiều triều đại, thêm chất liệu tổng hợp, đèn led và acrylic để tác phẩm có thêm độ tương tác, với ý nghĩa thắp sáng những di sản quý để không bị chìm vào quên lãng.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Ðông cho rằng, các loại hình trình diễn, sắp đặt, video art… phổ biến trên thế giới song trong nước thì chưa được thực hành thường xuyên. Vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn qua các sân chơi như Festival Mỹ thuật trẻ sẽ góp phần khuyến khích nghệ thuật đương đại, nuôi dưỡng tinh thần nghệ sĩ trẻ, đưa thị trường mỹ thuật Việt Nam hoạt động sôi nổi hơn, hội nhập quốc tế rõ nét hơn.
Qua bảy mùa tổ chức, Festival Mỹ thuật trẻ đang tích cực chuyển mình, làm tròn vai trò phản ánh diện mạo nghệ thuật đương đại qua những "đôi mắt" trẻ và ươm mầm tài năng mới cho nền mỹ thuật, phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần.
Gửi phản hồi
In bài viết