"Riêng một con đường" - cuộc trưng bày nghệ thuật độc đáo và ấn tượng

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phan Cẩm Thượng đã nhận định, toàn bộ cuộc trưng bày "Riêng một con đường" của nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ đã giới thiệu cho khán giả một phần văn hóa truyền thống dân tộc, mà có thể đã tản mát, thất lạc, tưởng chừng không bao giờ trông thấy nữa.

Một góc không gian trưng bày nghệ thuật "Riêng một con đường".

Sáng 9/12, tại Phòng Nghệ thuật, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra cuộc trưng bày nghệ thuật quy mô lớn, nhiều nét độc đáo, với nhiều hiện vật quý hiếm lần đầu tiên được chia sẻ rộng rãi tới công chúng do nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ dày công nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản đầy công phu, tâm huyết.

Trong lời giới thiệu về nhà sưu tập và bộ sưu tập quý giá, Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phan Cẩm Thượng đã kể câu chuyện đầy xúc động: Cách đây 25 năm, năm 1999, ba người bạn Nguyễn Linh, Trần Hạnh và Phạm Đức Sĩ quyết định sưu tầm nghệ thuật và cổ vật.

Trần Hạnh sưu tập đồ gốm Hoa Lam, Nguyễn Linh sưu tập đồ gốm Hoa Nâu, còn Phạm Đức Sĩ sưu tập gốm Tiền sử cho đến thời Hán Đường và tranh Dân gian Việt Nam.

Mỗi người một hướng tùy theo tình cảm và khả năng của mình, nhưng chắc chắn họ đã có một bộ sưu tập dầy dặn, nhưng chưa từng công bố.

Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ (tên gọi quen thuộc là Sĩ Mộc) sinh năm 1967 đã nhiều lần có ý định trưng bày bộ sưu tập của mình, nhưng vì nhiều lý do, ông chưa thực hiện được.

Trong giới nghệ thuật, nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ được biết đến bởi sự công phu, tỉ mỉ và tấm lòng hướng đến cộng đồng. Nhiều lần ông đã hiến tặng các hiện vật quý để góp phần lan tỏa sâu rộng hơn giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Ông đã xuất bản một cuốn sách "Tranh thờ Việt Nam" vào năm 2009, giới thiệu khoảng 200 tranh thờ chủ yếu là tranh thờ của các dân tộc ít người phía bắc, với những bài viết nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong nước. Cuốn sách là một công trình có chất lượng về mảng tranh tín ngưỡng sắc tộc này, với những tác phẩm cụ thể, đầy mầu sắc và không khí tôn giáo cổ xưa trên các vùng núi.

Lần này, ông tổ chức một triển lãm, trưng bày mang tên "Riêng một con đường", công bố một số hiện vật trong bộ sưu tập của ông, gồm: khoảng 50 hiện vật đồ đá thuộc các thời kỳ khảo cổ Phùng Nguyên, Gò Mun và Đông Sơn; khoảng 100 hiện vật đồ gốm thuộc các thời kỳ Phùng Nguyên, Gò Mun, Đông Sơn và Hán Việt; khoảng 70 tranh thờ của các đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu và người Kinh.

Sau hơn 25 năm sưu tập, trao đổi và nghiên cứu từ bộ sưu tập của mình, trước tiên là tình cảm đối với nền văn hóa dân tộc, vẻ đẹp của những cổ vật đã lôi kéo người sưu tập vào một con đường tưởng chừng bất tận, nếu không được công bố, ông không biết giới hạn của lòng say mê của mình - Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phan Cẩm Thượng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phan Cẩm Thượng nhận định: Về mặt giá trị tinh thần, những hiện vật này luôn thuộc về người xem và nền văn hóa truyền thống mà cha ông để lại cho đến ngày nay. Khi chúng luôn dễ dàng thất thoát trong đời sống hiện đại và trong thương mại cổ vật đang phát triển.

Việc công bố các hiện vật, tất nhiên đòi hỏi sự đánh giá nghiêm túc của các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ học, bởi bản thân người sưu tập kiến thức có hạn, ngoài lòng say mê và nhận định theo kinh nghiệm riêng của mình. Nhiều hiện vật cũng mong được khán giả xem và chỉ giáo về niên đại, ý nghĩa nội dung của chúng. Việc tạm thời định ra niên đại, phong cách thời đại chỉ là kinh nghiệm của những người sưu tập và yêu thích cổ vật ở nước ta nói chung.

Về hiện vật đồ gốm, nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ giới thiệu các hiện vật đồ gốm, sớm nhất là gốm Hoa Lộc, nên thời kỳ Đồ đá mới. Gốm Hoa Lộc có tạo dáng thô và dầy, và hoa văn riêng biệt, cùng nhiều con dấu hoa văn dùng để in hoa văn trên vải. Tiếp đến là gốm Phùng Nguyên mở đầu cho thời kỳ Hùng Vương với sự hình thành của nhà nước sơ khai. Từ đó tiếp theo là các nền văn hóa Đồng Đầu, Gò Mun. Ba giai đoạn này kéo dài hàng nghìn năm.

Các di vật gồm nhiều đồ gốm với tạo dáng phong phú và các bảng hoa văn khác nhau, chủ yếu là hoa văn hình học cách điệu, nằm trong cấu trúc hình sin hoặc theo nhịp điệu trang trí vòng quanh bình gốm. Nếu như thời kỳ Hoa Lộc có thể bàn xoay chưa xuất hiện, thì trong gốm từ Phùng Nguyên đã có dấu hiệu của bàn xoay, còn để lại dấu tích trên thành gốm và sứ tạo dáng cũng cân đối hơn.

Thời kỳ Đông Sơn, là giai đoạn rực rỡ của khoa chế tác đồ đồng, mà nhất là trống đồng, gốm đóng vai trò thứ yếu, nhưng hiện vật cũng khá phong phú. Gốm xốp và to, hoa văn khắc vạch, chủ yếu là gốm mộc nung ở nhiệt độ thấp hơn so với gốm Phùng Nguyên.

Với những đồ gốm được trưng bày, người xem có thể đánh giá trực tiếp dễ dàng hơn so với đồ đá, vì sự xuất hiện khá thông thường trong đời sống của người Việt và trong các bảo tàng hiện vẫn đang trưng bày. Mỗi giai đoạn đều có dấu hiệu và phong cách đặc trưng riêng cũng như sự phong hóa dễ nhận biết khi ở dưới lòng đất hàng ngàn năm qua.

Về hiện vật đồ đá mà Phạm Đức Sĩ sưu tập, theo ông, kéo dài từ Thời kỳ Đồ đá mới cho đến Thời kỳ Đồ đồng và Đồ sắt (Đông Sơn). Chúng gồm các loại công cụ lao động, như rìu, đục, chày đập vỏ cây, cho đến các loại trang sức, như khuyên tai, vòng tay và các vật đeo trên cổ như những biểu tượng tín ngưỡng nguyên thủy.

Một số hiện được tìm thấy trong quá trình đào bới tự nhiên của những người nông dân khi lao động sản xuất, mà nhà sưu tập may mắn có được. Một số hiện vật khác được những người khai thác cát trên các dòng sông, như sông Lô, sông Cầu thu nhận được và cũng may mắn đến tay nhà sưu tập. Về căn bản, đồ đào và đồ vớt từ sông nước rất khác nhau, do quá trình phong hóa và môi trường khác nhau.

Theo nhà sưu tập, về tính xác thực và đánh giá niên đại của các hiện vật đồ đá này, cần và mong các nhà chuyên môn, khảo cổ học tham gia góp ý, nhưng cấu tạo và vẻ đẹp của hiện vật dường như tự toát lên những thời kỳ văn minh đã qua, từ nền văn hóa Hoa Lộc qua các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, đến Đông Sơn. Cũng không loại trừ việc chế tác đồ đá còn kéo dài sang thời phong kiến.

Sự tương đương về thẩm mỹ và cấu trúc của đồ đá với đồ gốm (hoa văn) và đồ đồng, nhất là những khảo cứu về chạm khắc đồ đồng cho thấy ý nghĩa và cách thức của các đồ đá trong trưng bày này.

Trong mọi nền văn hóa Tiền sử, ý nghĩa sinh tồn và phồn thực, trở thành tín ngưỡng sâu sắc của tất cả các chế tác từ đồ dùng đến đồ tín ngưỡng, mặc dù mục đích được sử dụng khác nhau. Mặc dù, trong một thời đại, con người sống rất khó khăn, hàng ngày đối diện với cái đói, cái rét và sự xung đột giữa các bộ lạc, nhưng nhu cầu về cái đẹp, sự làm đẹp luôn hiện hữu và chính nó làm cho con người và văn hóa phát triển.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục