Các chuyên gia, diễn giả thảo luận và chia sẻ ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Ngày 9/12, tại Hà Nội, tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS International tổ chức sự kiện “Hành trình yêu thương - Vì phúc lợi hàng triệu chó và mèo ở Việt Nam".
Sự kiện quy tụ các đại biểu từ các cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế cùng các công ty du lịch, nhằm chia sẻ và vinh danh những tiến bộ quan trọng trong việc cải thiện phúc lợi động vật trong nỗ lực thúc đẩy du lịch bền vững của Việt Nam, cũng như tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác giữa các bên hữu quan ở cả cấp quốc gia và quốc tế, qua đó xây dựng hình ảnh Việt Nam như một điểm đến du lịch thân thiện và văn minh.
Cải thiện hình ảnh du lịch - kinh nghiệm từ Hội An
Được biết đến với những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa phong phú, Việt Nam đang ngày càng chú trọng nâng cao hình ảnh du lịch thông qua các hoạt động bảo vệ động vật, trong đó có các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán thịt chó, mèo.
Một trong những điểm sáng trong nỗ lực này là thành phố Hội An, nơi đã trở thành một thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo.
Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, bà Trần Thị Hồng Trang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hội An cho hay, nhằm hướng tới một môi trường an toàn hơn, nhân ái hơn cho cả động vật và con người, vào tháng 12/2021, thành phố đã ký kết với FOUR PAWS thực hiện dự án “Xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và Hỗ trợ loại trừ bệnh dại”.
Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo ở thành phố đã tăng từ 70% lên đến 80-90% sau khi dự án được triển khai, góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.
Các hộ kinh doanh cũng đã tự nguyện chuyển đổi ngành nghề và ngừng bán sản phẩm từ thịt chó, mèo, nhờ vào sự hỗ trợ tài chính và chiến lược truyền thông từ tổ chức FOUR PAWS.
Đặc biệt, phường Minh An ở trung tâm của thành phố, nơi thu hút số lượng lớn khách du lịch đã xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh dại trong năm 2023. Năm 2024, phường tiếp tục được Chi cục Chăn nuôi đánh giá đã duy trì vùng an toàn dịch bệnh trong cả năm.
Theo bà Trang, Hội An hiện nay đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, một phần nhờ vào cam kết bảo vệ động vật và môi trường và sự đồng hành, ủng hộ của người dân trong triển khai dự án với FOUR PAWS.
Bà Trang khẳng định, việc Hội An trở thành một thành phố không tiêu thụ thịt chó, mèo đã không chỉ giúp cải thiện hình ảnh du lịch của thành phố mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của quốc gia.
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện dự án, hướng tới việc xây dựng một thành phố văn hóa, du lịch sinh thái, thân thiện, tạo hình ảnh đẹp cho du khách với một điểm đến xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và các tổ chức liên quan, đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hội An cho biết, địa phương sẽ triển khai các hoạt động cụ thể như tuyên truyền, vận động, tăng cường quảng bá hình ảnh thành phố thông qua các hoạt động chăm sóc, bảo vệ thú cưng, tuyên truyền về tác hại của bệnh dại, làm cho môi trường của Hội An an toàn, từ đó sẽ thu hút du khách đến với Hội An nhiều hơn.
Định vị Việt Nam là điểm đến du lịch thân thiện, an toàn
Tại hội thảo, bác sĩ thú y Vương Tuấn Phong, Phòng khám Thú y Gaia Hà Nội chia sẻ ý tưởng, Hội An có thể là hình mẫu cho mô hình chăm sóc thú cưng khi ngày càng nhiều du khách có nhu cầu mang thú cưng theo khi đi du lịch.
Do đó, đây cũng là cơ sở để du lịch Hội An có thêm nguồn thu, từ đó mở rộng xây dựng ngành công nghiệp thú cưng kết hợp du lịch để Việt Nam trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, phát triển bền vững.
Bà Vũ Hương Giang, Giám đốc điều hành và điều phối bền vững Công ty du lịch EASIA Travel cho biết, việc chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo không chỉ có ý nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng mà còn nâng cao giá trị du lịch bền vững của Việt Nam.
Do đó, việc hợp tác với các tổ chức như FOUR PAWS và các cơ quan chức năng là rất cần thiết để tạo ra thay đổi trong toàn ngành, đồng thời định vị Việt Nam như một quốc gia dẫn đầu về thực hành du lịch bền vững, là điểm đến du lịch thân thiện, an toàn.
Nêu thực tế từ tiếp xúc với các du khách nước ngoài đến Việt Nam, bà Giang cho hay, du khách quốc tế ngày càng quan tâm đến phúc lợi động vật và các thực hành du lịch có đạo đức. Công ty đã nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức cho khách hàng về hoạt động buôn bán thịt chó và mèo, cách hành xử đúng đắn với động vật để bảo đảm an toàn và cung cấp các trải nghiệm thích hợp, thí dụ như các tour ẩm thực không liên quan đến thịt chó, mèo.
Ông Matt Backhouse, Trưởng Chương trình Chăm sóc động vật Đông Nam Á - FOUR PAWS International cho biết, để đạt được mục tiêu này, sự phối hợp chặt chẽ, lâu dài giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức có liên quan và cộng đồng địa phương là điều cần thiết.
Khẳng định thành công của Hội An là một điển hình của sự kết hợp từ nhiều yếu tố như cách thức liên quan truyền thông, giáo dục và phối hợp, ông Matt Backhouse bày tỏ hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều mô hình tương tự được nhân rộng.
FOUR PAWS sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương, giúp tăng cường công tác tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và tăng cường hình ảnh du lịch thân thiện của Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết