- Thưa Giáo sư Ngô Văn Thành, ông đánh giá thế nào về việc giảng dạy và thưởng thức âm nhạc cổ điển hiện nay?
- Đời sống văn hóa của chúng ta hiện nay không được cân bằng lắm giữa những giá trị văn hóa cao cấp và những giá trị văn hóa quần chúng. Tôi không phê phán, vì đó là trào lưu của đời sống hiện đại. Nhưng tôi muốn nói rằng, không một nước nào không bảo vệ, duy trì một nền văn hóa cao cấp. Đơn giản như chúng ta phải để cho học sinh được thưởng thức chèo, tuồng, nghe làn điệu quan họ... Cần phải biết trân trọng văn hóa Việt Nam. Tất cả các nước phát triển đều có một nền âm nhạc cổ điển rất phát triển, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…
- Ông là người có nhiều năm gắn bó với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò. Phương châm của ông trong giảng dạy âm nhạc cổ điển là gì?
- Việc của người dạy là khai thác, phát huy thế mạnh của học sinh. Sự bù đắp của người thầy không khác gì cha mẹ với con cái, từ chỗ phát hiện ra tài năng rồi thắp lửa say mê cho các em. Sự say mê ấy không hình thành trong ngày một, ngày hai mà là cả quá trình, có chiến thuật, chiến lược, như trồng cây phải chờ đến ngày ra hoa, kết trái. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng của người thầy là cảm hóa được học trò. Như vậy thì mình mới có thể giúp họ có được thành tích cao. Tôi luôn đau đáu: Dạy một ngày được một ngày, một nốt được một nốt để học sinh không lãng phí tuổi thanh xuân.
Tôi may mắn gặp và đào tạo được nhiều học trò giỏi như Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Công Thắng - giải Nhất cuộc thi Concour Mùa thu lần thứ nhất, nghệ sĩ Đỗ Xuân Thắng - giải Nhất cuộc thi Concour Mùa thu lần thứ hai, nghệ sĩ Trần Quang Duy - giải Nhất cuộc thi Concour Mùa thu lần thứ ba… Dù các em chưa phải là đỉnh cao của thế giới nhưng cũng là những hiện tượng của violon Việt Nam.
- Nhìn vào đội ngũ giảng viên âm nhạc cổ điển hiện nay, ông có nhiều kỳ vọng?
- Chúng ta đang có một số giảng viên thế hệ trước được đào tạo bài bản ở các nhạc viện lớn trên thế giới, đặc biệt là từ Nga hay các nước Đông Âu. Sau này là đội ngũ giảng viên trẻ được học hành bài bản, tiếp thu tinh hoa đào tạo của thế giới. Tôi cho rằng đó là một đội ngũ giảng viên đáng tin cậy để có thể đào tạo nên những tài năng. Nhưng điều tôi suy nghĩ nhất là động lực phát triển tài năng phải xuất phát từ 3 phía. Thứ nhất là nhu cầu của xã hội, phải thấy được vai trò của âm nhạc đỉnh cao. Thứ hai, bản thân người thầy cũng cần có động lực rất mạnh, niềm tin vào công việc đào tạo lâu dài. Thứ ba là Nhà nước cần có chính sách cụ thể để đào tạo tài năng.
- Ông từng cho rằng việc thiếu tính kỷ luật, sự chuyên cần và bản lĩnh đã tạo ra lực cản cho sự hội nhập của âm nhạc Việt Nam?
- Dân tộc Việt Nam rất mạnh về cảm xúc âm nhạc, sáng tạo để tạo nên đời sống âm nhạc đa dạng, phong phú. Nhưng chúng ta còn thiếu tính kỷ luật, tính chuyên cần, sự kiên nhẫn. Mục tiêu của chúng ta là phải hướng tới hội nhập và đứng được trong hàng ngũ những đất nước sản sinh ra tài năng âm nhạc. Nền âm nhạc phát triển là phải có những nghệ sĩ biểu diễn ở tầm thế giới, có những nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm mà thế giới có thể chơi. Ước mơ của chúng tôi là giúp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và các trường khác phát triển hơn nữa, qua đó đào tạo và chăm sóc tốt hơn cho những tài năng của chúng ta.
Cho nên, muốn hay không muốn thì những nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến chiều sâu văn hóa, để khi kinh tế phát triển thì văn hóa cũng phải phát triển tương đương. Hiện có một nỗi lo là văn hóa phát triển ở một cấp độ thấp hơn so với kinh tế. Học đàn hay học văn hóa đều cần quá trình tích lũy, cần thời gian.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Gửi phản hồi
In bài viết