Phát triển không đồng đều
Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, trong đó người dân bản địa đóng vai trò quan trọng. Mô hình du lịch cộng đồng không còn xa lạ ở Việt Nam, thậm chí tại một số tỉnh, như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… du lịch cộng đồng là điểm nhấn, đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách.
Tại Hà Nội, du lịch cộng đồng đã hình thành từ nhiều năm nay ở một số huyện, thị xã, như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu vực chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức)…, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Thủ đô. Phó Trưởng ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, hiện có khoảng 10% gia đình ở Làng cổ Đường Lâm làm du lịch, phục vụ lưu trú cho du khách nghỉ qua đêm. Từ tháng 9-2020, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cùng các chuyên gia đã họp với các gia đình để bàn việc tổ chức lại cách làm du lịch cộng đồng tại Làng cổ Đường Lâm. “Khi chuyển sang làm du lịch cộng đồng, đời sống của bà con khấm khá hơn. Nhiều gia đình thấy được lợi ích của việc làm này, đã ý thức hơn trong việc giữ gìn nhà cổ và văn hóa của làng”, ông Nguyễn Trọng An nói.
Tuy đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi tại Thủ đô, song sự phát triển không đồng đều, vẫn đang gặp không ít khó khăn, hạn chế. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, mặc dù Ba Vì có rất nhiều lợi thế về thiên nhiên, đa dạng dân tộc sinh sống để phát triển du lịch cộng đồng, thế nhưng hình thức du lịch này vẫn ở giai đoạn manh nha hình thành. Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Mai Văn Ngần, xã Hồng Vân được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố từ năm 2018, có “đặc sản” thu hút du khách là làng nghề sinh vật cảnh, song việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn rất mới mẻ.
Ngay cả làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với các di tích cổ, làng nghề lâu năm, sản phẩm đa dạng thu hút nhiều du khách nhưng theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn mang tính tự phát, thiếu cơ sở lưu trú qua đêm cho du khách.
Cần đầu tư đúng hướng
Lý giải về những khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng, Thạc sĩ Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cái khó hiện nay là người dân ở các làng quê vốn quen làm nông nghiệp và nghề thủ công tại các làng nghề, nên rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với khái niệm du lịch cộng đồng. “Vì chưa nhìn thấy lợi ích, nên ít người chịu bỏ tiền đầu tư hạ tầng, cải tạo nhà cửa để làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, để phát triển du lịch cộng đồng, người dân cần quá trình dài học cách ứng xử văn minh trong giao tiếp và đối đãi với khách”, Thạc sĩ Vũ Hương Lan cho biết.
Để có thể phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản, theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, các địa phương cần đầu tư đúng hướng, tạo ra những mô hình thí điểm. “Chính quyền địa phương cần vận động một số hộ gia đình có điều kiện cơ sở vật chất, thí điểm đón khách du lịch. Những hộ gia đình này được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, phục vụ cũng như tổ chức một số hoạt động trải nghiệm tại nhà để thu hút du khách”, ông Phùng Quang Thắng nói. Còn theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò định hướng, cũng như có sự đầu tư bài bản về hạ tầng để người dân nhận thấy những lợi ích lâu dài trong việc phát triển du lịch.
Trong Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, du lịch cộng đồng là một trong những mũi nhọn được tập trung đầu tư để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. Thực hiện kế hoạch này, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức hàng chục hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn về cách triển khai du lịch cộng đồng.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của những đơn vị lữ hành để tăng thêm tính kết nối trong việc quảng bá, tạo các tour, tuyến du lịch... từ đó có thể “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh cũng như khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết