Theo nữ MC kể trên, không thể nói khán giả “nuôi” nghệ sĩ bởi “nuôi” còn có ý nghĩa là cho không, là quan hệ một chiều, trong khi nghệ sĩ cũng phải lao động sáng tạo rất vất vả. Những gì họ nhận được là thù lao cho sức lao động đã bỏ ra, khán giả phải trả tiền để được thụ hưởng nghệ thuật. Thật ra, quan điểm này không đáng bị chỉ trích bởi nó có ý đúng: Lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng giống như bất cứ một ngành nghề nào khác trong xã hội, họ trao đi, đóng góp cho xã hội thì phải được nhận lại phần thù lao xứng đáng.
Nhưng mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả lại là mối quan hệ đặc biệt. Khán giả không chỉ là người trả công cho nghệ sĩ, mà còn thực sự là những người “nuôi sống” họ về tinh thần. Sự hưởng ứng, cổ vũ của khán giả từ xưa đến nay chính là động lực lớn nhất để nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo. Thước đo của người nghệ sĩ thành công cũng chính là khán giả. Chính vì vậy, hiếm có nghệ sĩ nào dám tự vỗ ngực mình không cần khán giả. Không biết trân trọng khán giả cũng chính là tự hủy hoại dần sự nghiệp của mình. Thực tế, nhiều nghệ sĩ tỏ ra coi thường khán giả đều đã phải chịu những “cái giá” rất đắt.
Ở chiều ngược lại, nghệ sĩ lại là những người “nuôi dưỡng” tâm hồn cho công chúng. Bằng cách sáng tạo nghệ thuật, họ góp phần làm đẹp cho đời. Sự trân trọng của công chúng với nghệ sĩ cũng chính là trân trọng những giá trị tốt đẹp mà nghệ thuật đang mang đến cho đời sống của chúng ta.
Trong một mối quan hệ đặc biệt như vậy, sự tri ân qua lại giữa nghệ sĩ và khán giả nên được coi là một đạo lý, chứ không phải và không nên là quan hệ biết ơn một chiều. Nghệ sĩ trân trọng khán giả để hoàn thiện mình hơn, biết ơn khán giả đã nuôi dưỡng để mình có đủ điều kiện cả về vật chất và tinh thần cho sáng tạo, còn khán giả cũng phải biết trân trọng những nghệ sĩ chân chính, những người thực sự “rút ruột nhả tơ” làm đẹp cho đời.
Gửi phản hồi
In bài viết