Ngăn chặn tình trạng ma túy pha trộn trong đồ uống, thực phẩm

Quá trình phát hiện, bắt giữ các vụ việc liên quan đến ma túy pha trộn đồ uống, thực phẩm, lực lượng chức năng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, công an các địa phương đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy nói chung và phòng ngừa, ngăn chặn ma túy pha trộn trong đồ uống, thực phẩm nói riêng.

Tình trạng ma túy "núp bóng" thực phẩm gần đây diễn biến phức tạp

Xảy ra việc sử dụng ma túy thụ động

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện một số vụ phạm tội về ma túy, thu giữ loại ma túy "núp bóng" pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, với các tên gọi đa dạng, như "nước dâu", nước nho", "Bánh cần", thuốc lá điện tử "Pod chill", các loại thảo mộc có chứa chất ma túy mới ADB-BUTINACA... gây khó khăn cho việc phòng ngừa đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy, nhất là công tác tuyên truyền phòng ngừa.

Đáng chú ý có những vụ việc sử dụng ma túy thụ động đã xảy ra trên địa bàn do người sử dụng không biết trong các chất đưa vào cơ thể bằng đường ăn uống và đường hút đã bị pha trộn các chất ma túy.

Loại ma túy này thường được đóng gói dưới dạng sản phẩm, bao bì dễ bắt mắt, thu hút sự tò mò, hiếu kì. Một số loại có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới, sau đó được các đối tượng lợi dụng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng.

Đối tượng sử dụng thường là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Hậu quả gây ra đối với người sử dụng gần như ngay lập tức, bao gồm các triệu chứng gây nguy hại đến sức khỏe, nguy cơ tử vong rất cao...

Quá trình phát hiện, bắt giữ các vụ việc liên quan đến ma túy pha trộn đồ uống, thực phẩm, lực lượng chức năng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Có chất ma túy khi phát hiện, giám định là chất ma túy mới, chưa có trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Công tác giám định chất ma túy trộn trong đồ uống, thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, một số vụ việc phải trưng cầu giám định vượt tuyến lên Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an do cấp tỉnh không giám định được.

Hơn nữa những loại ma túy này được đóng gói, pha trộn rất tinh vi, khó phát hiện được bằng mắt thường, trong khi đó các phương tiện, trang thiết bị kĩ thuật hỗ trợ cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng thực tiễn.

Từ tình hình trên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy nói chung và phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng ma túy pha trộn trong đồ uống, thực phẩm nói riêng, trong năm 2022, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu UBND tổ chức 2 Hội nghị chuyên đề về công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy. Từ đó, các sở, ngành, địa phương vào cuộc rất quyết liệt, phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, không còn tư tưởng khoán trắng cho lực lượng Công an trong công tác này.

Sở Y tế đã công bố danh sách 19 cơ sở, 150 bác sỹ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện trên địa bàn tỉnh, tháng 01/2023 tiếp tục tổ chức tập huấn bổ sung 60 bác sỹ để đảm bảo đủ các điều kiện xác định tình trạng nghiện.

Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai, đào tạo học nghề, hỗ trợ việc làm, phòng chống tái nghiện; trong đó chỉ tiêu cả nghiện tập trung năm 2023 là 500 người; đào tạo nghề là 420 người và giải quyết việc làm là 580 người.

Sở Tài chính ban hành hướng dẫn nội dung, mức chi chứng từ thanh quyết toán và bố trí ngân sách thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh theo Thông tư 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính về quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.

Về triển khai các biện pháp giảm cầu, Công an tỉnh Quảng Ninh tận dụng triệt để các quy định mới và các chế tài xử lý của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đối với người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và người quản lý sau cai, nhất là răn đe các đối tượng ngay từ khi sử dụng trái phép chất ma túy.

Đồng thời triển khai quyết liệt công tác tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá lại toàn bộ số đối tượng nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy, người quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh để phân loại, thống kê, quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy 2021. Năm 2022 đã tiến hành rà soát, triệu tập xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với tổng số 2.514 trường hợp.

Công an tỉnh Quảng Ninh tăng cường chỉ đạo Công an các địa phương lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý đối tượng điều trị nghiện tại địa bàn cơ sở và quản lý sau cai nghiện tại địa bàn cơ sở theo Quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai Kế hoạch cao điểm xét nghiệm chất ma túy đối với lái xe điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Năm 2022, qua công tác tuần tra kiểm soát giao thông đã xác định được 187 lái xe dương tính với ma túy và đã xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo về UBND cấp xã nơi cư trú để lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đặc biệt, năm 2023, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm tổng rà soát, phát hiện lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy (triển khai từ 01/03/2023 đến 15/7/2023).

Thường xuyên thông tin các loại ma túy mới xuất hiện dưới dạng thực phẩm

Đối với các biện pháp giảm cung, Công an tỉnh Quảng Ninh bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, nhất là tại Phương án số 02/PA- BCA-C04 ngày 09/8/2021 của Bộ Công an; Phương án 3634/C04 (P7) ngày 24/8/2021 của C04 để tiếp tục triển khai thực hiện Phương án đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung và ma túy từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh. Tăng tỷ lệ bắt giữ xử lý các đối tượng vận chuyển, mua bán, chứa chấp, lôi kéo, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (năm 2022 đạt tỷ lệ 63,98%).

Đồng thời tập trung triệt xóa các điểm, tụ điểm là nơi các đối tượng lợi dụng để chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời gắn với xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, triệt phá 72 ổ nhóm tổ chức, xử lý hình sự 222 đối tượng về các hành vi tổ chức sử dụng, chứa chấp sử dụng và lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ma túy nói chung và các loại ma túy dưới dạng thực phẩm chức năng nói riêng, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng có nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, công nhân và tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy với hình thức da dạng, sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền. Thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông về các phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy, các loại ma túy mới, nhất là ma túy dưới dạng thực phẩm chức năng phục vụ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công an đẩy mạnh khai thác hệ thống cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu Căn cước công dân phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thường xuyên tổng hợp, cung cấp thông tin, thông báo về tình hình, phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy nói chung và các loại ma túy mới xuất hiện dưới dạng thực phẩm nói chung để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; tổng hợp khó khăn, vướng mắc của Công an các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, qua đó làm cơ sở tăng cường công tác hướng dẫn, giải thích luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Liên quan đến ma túy "núp bóng" các loại hàng hóa như: bánh, kẹo, thực phẩm, dược phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử, Bộ Công an cho biết, tình trạng này gần đây diễn biến phức tạp. Người sử dụng chủ yếu là thanh thiếu niên, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Đơn cử như: Vụ học sinh trường THPT Hoành Bồ, TP. Hạ Long, Quảng Ninh bị ngộ độc ma túy cần sa sau khi ăn kẹo xách tay từ nước ngoài về; vụ việc 5 người bị ngộ độc ma túy tại Đông Anh, Hà Nội sau khi ăn chocolate có chứa chất ma túy; vụ người phụ nữ bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô tại Hà Nội, phải nhập viện cấp cứu; vụ việc bé trai 5 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh bị ngộ độc sau khi uống nhầm dung dịch thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy...

Theo báo cáo của Công an các địa phương, năm 2022, toàn quốc phát hiện, bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử: 32 vụ, 58 đối tượng; thu giữ 12,6 kg ma túy tổng hợp, 124,1 kg và 40,4 lít ma túy loại ADB-BUNTINACA.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục